Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính chung trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới và tăng thêm là 6,88 tỉ USD (tăng 85% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, lượng vốn các dự án đã giải ngân đạt 4,65 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Hút dự án công nghệ cao
Trong 4 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo là lĩnh vực được quan tâm nhất với 229 dự án đăng ký mới, tổng vốn cấp mới và tăng thêm hơn 5,2 tỉ USD. Các lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy... cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại.
Theo danh sách các dự án FDI lớn được cấp phép, nhiều dự án quy mô lớn đến từ Hàn Quốc. Chẳng hạn, dự án LG Display Hải Phòng vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư giữa tháng 4 với tổng vốn lên tới 1,5 tỉ USD do Tập đoàn LG triển khai với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng. Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) cũng vừa triển khai dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hà Nội với vốn đầu tư 300 triệu USD nhằm phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm điện tử, viễn thông công nghệ cao.
Một dự án khác có quy mô 2 tỉ USD của Samsung ở TP HCM cũng sẽ đi vào hoạt động từ quý II/2016, chuyên sản xuất các mặt hàng điện, điện tử gia dụng quy mô xuất khẩu toàn cầu. Ngoài ra, lĩnh vực bán lẻ cũng được các nhà đầu tư Hàn Quốc gia tăng quy mô hoạt động ở Việt Nam như Lotte, Emart...
Trong khi đó, Singapore đang đứng thứ 2 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Chỉ tính 4 tháng đầu năm, có tới 50 dự án FDI đến từ Singapore được cấp mới và 23 lượt dự án tăng vốn với tổng mức đầu tư 730 triệu USD. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI của Singapore đã chảy vào 18/21 ngành kinh tế của Việt Nam, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản. Vốn FDI từ thị trường này được đánh giá cao do quy mô vốn bình quân của một dự án khoảng 22,7 triệu USD - so với mức bình quân chung một dự án FDI tại Việt Nam là 13,8 triệu USD. Đáng lưu ý, nếu trước đây, đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam chỉ tập trung ở một số tỉnh, TP lớn thì nay đã mở rộng ra nhiều địa phương khác.
Chen chân vào chuỗi sản xuất của FDI
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang trở thành điểm đến thu hút vốn FDI từ các thị trường. Làn sóng đầu tư mới đang tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam để tận dụng cơ hội từ các FTA, trong đó có cả nhà đầu tư Mỹ, Nhật, Thái Lan. Lĩnh vực bán lẻ có lẽ đánh dấu sự có mặt của người Thái nhiều hơn cả, khi doanh nghiệp nước này liên tục mua lại các chuỗi bán lẻ ở Việt Nam.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam mới đây ở TP HCM, nhiều ý kiến cho rằng sẽ có làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam. TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá dòng vốn ngoại từ Nhật đang không ngừng đổ vào Việt Nam, không chỉ các tập đoàn lớn mà cả những nhà sản xuất dạng hỗ trợ. Có điều, làm sao để tận dụng dòng vốn FDI và doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn nước ngoài? Theo ông Vũ Tiến Lộc, cần có những chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị của tập đoàn nước ngoài. Và doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ đáp ứng yêu cầu về chuẩn mực thế giới mà phải đáp ứng cả về số lượng của các sản phẩm theo hợp đồng lớn. Lúc này, sự liên kết theo chiều ngang của các doanh nghiệp để cung ứng được đơn hàng lớn là rất cần thiết.