Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm đã có mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm tăng 5,76% so với tháng 12-2016, trong khi mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2016 và 2015 lần lượt là 3,89% và 3,97%.
Phá vỡ quy luật
Thông thường, tín dụng có mức tăng trưởng chậm vào đầu năm và cuối năm mới tăng tốc do đặc thù của sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng hóa. Thậm chí có những năm mức tăng trưởng tín dụng của 2 quý cuối năm tăng nhanh gấp đôi so với quý I. Tuy nhiên năm nay, tín dụng lại "ấm" ngay từ đầu năm.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đây là mức tăng tích cực nhất trong vòng 6 năm qua và NHNN đã quán triệt nhiều đến chất lượng tín dụng. Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung đưa vốn vào lĩnh vực sản xuất nên có thể nói 88% tín dụng vừa qua tập trung cho sản xuất. Riêng tín dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chỉ trong một thời gian rất ngắn mà đã giải ngân được 26.000 tỉ đồng. "Chúng tôi đánh giá ở góc độ vốn đầu tư cho nông nghiệp, sản xuất, cho nền kinh tế ngay từ đầu năm là hết sức tích cực" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Mặc dù tăng trưởng GDP quý I đạt thấp (5,1%) song Chính phủ vẫn kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra là tăng trưởng GDP cả năm 6,7%, lạm phát kiềm chế ở mức 4% nhằm bảo đảm được các cân đối vĩ mô và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo. Để hỗ trợ tăng trưởng, NHNN khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát việc cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc nới lỏng chính sách tiền tệ để tăng trưởng lúc này là không hợp lý Ảnh: Vũ Phương
Cảnh báo vốn chảy vào bất động sản
Đáng lưu ý là trong khi tín dụng tăng trưởng kỷ lục thì tăng trưởng GDP lại không tương xứng, đạt mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về chất lượng tăng trưởng tín dụng.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết đã có những ý kiến đề nghị cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đồng thời cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), nhất là ở phân khúc cao cấp để giảm thiểu nguy cơ bong bóng BĐS quay trở lại. Theo báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới trong năm 2016 là 3.126 doanh nghiệp, tăng 83,9%. Do đó, cần lưu ý điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, hạn chế tín dụng không bền vững, tín dụng cho vay đầu tư BĐS, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất phù hợp...
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, cả 3 quý còn lại phải có mức tăng trưởng rất cao, bình quân khoảng 7,1%. Trong đó, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng là quý II đạt 6,26%, quý III 7,29% và quý IV 7,49%. Như vậy, nhiều khả năng NHNN phải nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Theo các chuyên gia kinh tế, việc nới lỏng chính sách tiền tệ để tăng trưởng lúc này là chưa hợp lý.