Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết dự kiến trong tuần này, Chính phủ họp với 14 bộ, ngành liên quan để tìm giải pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công đang bị tắc nghẽn, tạm gửi trong hệ thống ngân hàng (NH).
Nghẽn đầu tư công
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2017 của các tổ chức nghiên cứu trong nước đều chú ý đến chuyển động khá bất ngờ của tín dụng. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết tín dụng nửa đầu năm tăng 7,54% trong khi tăng trưởng huy động chỉ đạt 5,89%. Xu hướng này ngược với quy luật hằng năm là huy động luôn tăng cao hơn tín dụng.
Còn Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết tỉ lệ cho vay/huy động ước tính cả hệ thống NH là 87%, tăng 1,53 điểm % so với cuối năm 2016. Tăng trưởng huy động 6 tháng đầu năm ước tăng 6,1% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ là 10,2%). Trong đó tiền gửi khách hàng ước tăng khoảng 6,5%, phát hành giấy tờ có giá tăng 12,8% so với cuối năm 2016.
Mặc dù vậy, thanh khoản hệ thống NH lại không gặp vấn đề, chỉ có dấu hiệu căng thẳng cục bộ theo chu kỳ đến hết tháng 4 và trở nên dồi dào kể từ sau tháng 5. Nguyên nhân vì trong thời kỳ này, Kho bạc Nhà nước thừa tiền, đem gửi tại hệ thống NH 143.000 tỉ đồng, tăng 50,2% so với đầu năm. Đây là tiền bố trí cho đầu tư công nhưng vì vướng thủ tục không giải ngân được theo đúng tiến độ.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2017 (không bao gồm trái phiếu Chính phủ) là 307.150 tỉ đồng. Đến hết tháng 6-2017, vốn đã giao kế hoạch là 303.075,66 tỉ đồng, bằng 98,7% kế hoạch.
Thanh khoản VNĐ tại các ngân hàng thương mại hiện nay rất tốt nhờ vốn huy động và tiền gửi của kho bạc
Bên cạnh đó còn có gần 55.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ chưa giao. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân giao chậm trễ vốn trái phiếu Chính phủ là do chế độ quy định điều kiện để bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm cho dự án khởi công mới phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 30-10 của năm trước năm kế hoạch.
Còn theo Bộ Tài chính, kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỉ đồng, bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định.
Gánh nặng trả lãi
Như vậy trong ngắn hạn, vốn đầu tư công dư thừa đang có tác dụng giảm áp lực thanh khoản cho hệ thống NH. Tuy nhiên, theo VEPR, nếu 6 tháng cuối năm thực hiện đẩy mạnh giải ngân đầu tư công theo kế hoạch có tạo cú sốc về thanh khoản, do đó cần tính đến khả năng này để có giải pháp đối phó.
TS Cấn Văn Lực đánh giá số liệu trên mới chỉ tính toán đến tắc vốn đầu vào, hệ lụy của hiện tượng đó còn ảnh hưởng từ đầu ra. Cụ thể, với dòng vốn đầu vào là trái phiếu Chính phủ vẫn phải trả lãi suất 1,5% cho trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm, trong khi đó kho bạc đem gửi NH nhưng vẫn phải trả chi phí huy động; tức là vay tiền không tiêu được nhưng vẫn phải trả lãi. Ở đầu ra, nếu không giải ngân được vốn ngân sách thì vốn đối ứng khoảng 30% của các dự án đầu tư công cũng bị chậm.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là việc các dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chậm được triển khai sẽ cản trở mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017. Từ đó, sẽ đe dọa đến tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước cũng như trần nợ công quốc gia.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), đánh giá việc chậm giải ngân đầu tư công sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. "Vốn đầu tư nói chung của Việt Nam và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ vì nền kinh tế của Việt Nam còn phụ thuộc vào vốn đầu tư. Tuy nhiên, vào các tháng cuối năm, vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh giải ngân hết nên sẽ có tác động tới tăng trưởng và phát triển kinh tế của 6 tháng cuối năm và cả năm" - ông Phong nhận xét.