Theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phải trình Chính phủ đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước tại DN trong tháng 2. Trước đó, Bộ KH-ĐT đã 2 lần báo cáo Chính phủ dự thảo đề án này.
Đề xuất mô hình ủy ban
Một nội dung đáng lưu ý là trong dự thảo, Bộ KH-ĐT đã nêu 3 mô hình cho cơ quan đại diện vốn nhà nước, gồm mô hình ủy ban và DN. Trong đó, Bộ KH-ĐT đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ có tên gọi là Ủy ban Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN. Đây là cơ quan được thành lập mới, nguồn nhân sự được điều chuyển cán bộ có năng lực, phẩm chất từ các đơn vị đang làm nhiệm vụ quản lý, đổi mới, sắp xếp DNNN của một số bộ, cơ quan... Cơ quan này có trách nhiệm tham mưu chiến lược, kế hoạch, chính sách sắp xếp, đổi mới DNNN, không đơn thuần là quản lý vốn nhà nước. Việc xác định hình thức là cơ quan thuộc Chính phủ cũng được cho là sẽ tạo vị thế pháp lý và chính trị cho cơ quan chuyên trách, tương xứng với vai trò và chức năng được giao, nhất là trong mối quan hệ với các tập đoàn, tổng công ty lớn, cũng như trong thực hiện đầu tư vốn nhà nước để phát triển các ngành, lĩnh vực nền tảng, thúc đẩy nền kinh tế mà khu vực tư nhân không muốn làm hoặc không làm được, cần có vai trò của nhà nước và kinh tế nhà nước để khắc phục những điểm yếu của cơ chế thị trường. Đây là nhiệm vụ mà mô hình Tổng Công ty Quản lý vốn nhà nước (SCIC) hiện nay chưa đủ điều kiện để thực hiện.
Hai mô hình còn lại là cơ quan thuộc Chính phủ được thành lập trên cơ sở nâng cấp SCIC và mô hình cơ quan chuyên trách là DN, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Chính phủ làm chủ sở hữu, được hình thành trên cơ sở củng cố, kiện toàn SCIC.
Đầu tư vào nhiều lĩnh vực
Hiện nay, vốn nhà nước được giao cho SCIC quản lý, đầu tư. Tính đến ngày 31-12-2016, danh mục của SCIC có 146 DN với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 18.841 tỉ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 88.108 tỉ đồng.
Theo quy định, SCIC được phép giữ lại một phần doanh thu và lợi nhuận vào quỹ phát triển DN để thực hiện tái đầu tư. Tuy nhiên, việc tái đầu tư của SCIC trong những năm qua không có nhiều dấu ấn, khi tổng công ty này chủ yếu chọn hai kênh đầu tư là gửi ngân hàng, mua trái phiếu, mức độ an toàn cao nhưng khả năng sinh lời thấp.
Năm 2015, tổng tài sản của SCIC đạt khoảng 73.300 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 35.000 tỉ. Phần lớn tài sản SCIC đang quản lý trị giá gần 46.000 tỉ đồng, dùng để gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi (25.300 tỉ đồng) và mua trái phiếu (20.500 tỉ đồng).
Dự kiến năm 2017, danh mục đầu tư của SCIC sẽ có nhiều thay đổi với mục tiêu đầu tư phải bảo đảm an toàn và có đóng góp cho xã hội. Theo đó, SCIC có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực y tế. Cụ thể là xây dựng một bệnh viện ở Thái Nguyên theo hình thức BOT, có thể bán lại sau khi thu hồi vốn, xây dựng Bệnh viện K, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời chú trọng đầu tư hạ tầng, xử lý rác thải, môi trường, thực hiện các dự án nhà máy sản xuất vắc-xin quy mô công nghiệp, nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam.
Lãnh đạo SCIC cho biết đây là những lĩnh vực bức thiết trong xã hội, ít hấp dẫn khu vực tư nhân vì không sinh lời lớn nhưng SCIC vẫn quyết định đầu tư do phù hợp với yêu cầu xã hội mà vẫn có lãi.