Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, cho biết trên địa bàn TP ước tính trong 3 tháng đầu năm tín dụng đã tăng khoảng 3%, là mức khá cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây.
Doanh nghiệp có xu hướng vay nhiều hơn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm ngày 20-3, tín dụng của hệ thống NH đạt mức tăng trưởng 2,81% là mức tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong khi huy động tăng 2,43% cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) tương đối tốt và thu nhập lãi của các NH có sự cải thiện tích cực. Và động thái tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn gần đây của các NH thương mại cũng được lý giải một phần nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao của DN.
Trước đó, thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến cuối tháng 1-2017, cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 1% so với đầu năm. Đây là tháng 1 có tăng trưởng tốt nhất trong 5 năm gần đây. Xét theo cơ cấu tín dụng, hiện tín dụng ngắn hạn chiếm 45% tổng tín dụng, tín dụng trung và dài hạn chiếm 55% tổng tín dụng. Trong đó, tín dụng bằng tiền đồng tăng 1,6% trong khi tín dụng bằng ngoại tệ tăng 1,2%, cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 1,1% và âm 3,5%.
Trên địa bàn TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết tín dụng có xu hướng tăng trưởng tích cực, trong đó chủ yếu là cho vay tập trung ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của các DN. Với tốc độ tăng trưởng này, khả năng cả năm tín dụng của cả hệ thống có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 18%.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc NH HSBC Việt Nam, nhận xét năm nay có một diễn biến rất khác so với mọi năm khi nhiều DN hứng khởi hơn, sẵn sàng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh khiến nhu cầu vay vốn tín dụng cũng tăng khá. Và thực tế, một số NH đã nhích lãi suất đầu vào lên để thu hút thêm nguồn vốn cho mục tiêu đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới.
Kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2017 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy có 33,7% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I tốt hơn quý trước. Dự kiến trong quý II, hơn một nửa số DN được hỏi đánh giá xu hướng sẽ tiếp tục tốt lên.
Không nên vay ngắn hạn đầu tư dài hạn
Ghi nhận từ một số DN cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay chưa có dấu hiệu tăng theo đợt biến động lãi suất huy động gần đây. Theo ông Phạm Hồng Hải, với mục tiêu ổn định lãi suất nhằm hỗ trợ DN của NHNN và Chính phủ, nhiều khả năng trong 6 tháng đầu năm, các NH sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay nhưng có thể nhích lên vào cuối năm.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, lãnh đạo một số NH nhìn nhận, hạn mức tín dụng năm nay của hệ thống là 18% nhưng ngay từ đầu năm NHNN đã định hướng thận trọng khi đẩy tín dụng, nhất là các lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao như bất động sản... Bởi nếu tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải mà vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn, còn nếu đẩy lên kịch trần biên độ cho phép có thể một số NH sẽ quay trở lại bài toán về xử lý nợ xấu, chất lượng tín dụng. Do đó, nhìn chung các NH chọn mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14%-15% là phù hợp.
Riêng với các DN, trong bối cảnh tín dụng được kiểm soát hướng vào chất lượng, không nên lạm dụng bài toán vay ngắn hạn đầu tư trung dài hạn (do vay ngắn hạn lãi suất thấp hơn). Bởi trong trường hợp NH dừng nguồn cung tín dụng ngắn hạn do chạm hạn mức tăng trưởng hoặc yêu cầu kiểm soát tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của NHNN được siết chặt hơn, các DN sẽ bị động vì thiếu vốn và nguy cơ gặp rủi ro. Hiện một trong những rủi ro của hệ thống NH là cơ cấu tín dụng khi dồn quá nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Tính đến cuối năm 2016, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỉ lệ này của toàn hệ thống chỉ đạt khoảng 35% và vẫn còn một số tổ chức tín dụng vượt quá quy định của NHNN.
Để khắc phục tình trạng này, trong Thông tư 06 của NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2017 đã yêu cầu rút ngắn tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 50% và sẽ giảm tiếp xuống còn 40% vào đầu năm 2018.