Đây là nhận định về tình hình hoạt động của khu vực doanh nghiệp (DN) trong báo cáo tổng quan về thị trường năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố. Theo đó, số lượng DN đăng ký thành lập mới năm 2016 ước tăng 18% so với cùng kỳ, tăng khoảng 46% về số vốn đăng ký, trong đó lĩnh vực kinh doanh (KD) bất động sản (BĐS) và ngành chế biến, chế tạo có lượng DN đăng ký mới tăng mạnh nhất.
Doanh thu sụt giảm
Ngày 28-12, Tổng cục Thống kê cũng công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 cho thấy trong năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục 110.100 DN với tổng vốn đăng ký hơn 891.000 tỉ đồng và số vốn đăng ký bình quân cũng tăng khá mạnh so với năm trước. Gần 26.700 DN hoạt động trở lại, tăng 24,1%.
Trong báo cáo về chỉ số thuận lợi KD toàn cầu do Ngân hàng Thế giới công bố, xếp hạng môi trường KD năm 2016 của Việt Nam cũng tăng 9 bậc. Điều này đã tạo điều kiện cho khu vực DN tiếp tục phát triển với số lượng đăng ký và vốn đăng ký tăng nhanh. Dù vậy, khu vực DN vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, doanh thu và tổng nguồn vốn bình quân của DN cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng doanh thu, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu bình quân năm 2016 đều thấp hơn khá nhiều so với năm ngoái, trong đó khai khoáng là ngành có quy mô giảm mạnh nhất với doanh thu bình quân ngành ước giảm 42,17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỉ suất sinh lời của khu vực DN phi tài chính cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2015, trong đó nhóm DN thuộc ngành khai khoáng và nông - lâm - thủy sản có hiệu quả KD suy giảm mạnh nhất. Báo cáo tổng quan thị trường tài chính cũng cho thấy các DN đã tăng nhẹ đòn bẩy tài chính trong năm nay. Tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của khu vực DN phi tài chính ước khoảng 1,4 lần, cao hơn mức 1,33 lần của cùng kỳ năm 2015 và ngành có tỉ lệ đòn bẩy tăng mạnh nhất là hoạt động KD BĐS.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2016, khu vực DN duy trì tốt khả năng thanh toán nhưng khả năng trả lãi vay giảm nhẹ, ở mức khoảng 5,25 lần, giảm 1,36 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nông - lâm - thủy sản là ngành có khả năng trả lãi giảm mạnh nhất chỉ đạt khoảng 1,76 lần, giảm 3,63 lần so với cùng kỳ năm 2015 và ở mức thấp nhất kể từ năm 2008. Nguyên nhân do tình hình xâm nhập mặn kéo dài dẫn đến hoạt động sản xuất, KD của các DN này gặp nhiều khó khăn.
Riêng khu vực DN nhỏ và vừa (NVV) còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận khá khiêm tốn, tăng trưởng quy mô ở mức thấp. Thời điểm này đang vào mùa KD cuối năm nhưng nhiều DN cho biết vẫn rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng sản xuất do thiếu tài sản bảo đảm và không chứng minh được năng lực tài chính... Trong khi đó, sức mua trên thị trường dù có cải thiện nhưng không như kỳ vọng của DN.
Tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của nhóm DNNVV cũng luôn ở mức thấp nhất trong toàn khu vực DN. Trong năm 2016, tỉ lệ đòn bẩy của nhóm DN này khoảng 0,72 lần, tăng so với năm ngoái, thấp hơn nhiều so với bình quân của khu vực DN phi tài chính và là mức thấp nhất trong các nhóm ngành. Tỉ lệ đòn bẩy tài chính thấp một phần do việc tiếp cận vốn vay của nhóm này còn nhiều hạn chế. Dù còn gặp nhiều khó khăn, tiếp cận tín dụng hạn chế nhưng khả năng thanh toán của khu vực DNNVV lại duy trì ở mức khá. Đây là khu vực có khả năng thanh toán nhanh khá cao, tương đương cùng kỳ năm 2015.