Bắt đầu từ ngày 15-6, Chính phủ sẽ thực hiện cơ chế cho vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thay vì cấp phát như hiện nay. Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 52/2017 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đánh dấu sự thay đổi lớn về cơ chế quản lý, sử dụng vốn ODA.
5 điều kiện để được vay vốn
Để được vay lại từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi, UBND cấp tỉnh, thành phải đáp ứng được 5 điều kiện. Đó là: Có dự án được cấp có thẩm quyền cho phép huy động vốn vay để thực hiện đầu tư phát triển kinh tế xã hội hoặc dự án có phần vốn góp của ngân sách địa phương theo phương thức hợp tác công tư, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Luật Đầu tư công. Dự án phải được bố trí vốn đối ứng để thực hiện phù hợp với quy định hiện hành. Tổng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm thẩm định chủ trương đầu tư chương trình, dự án không vượt quá hạn mức dư nợ của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đặc biệt, muốn được vay vốn ODA, địa phương phải đáp ứng được yêu cầu không có nợ vay lại của Chính phủ quá hạn trên 180 ngày.
Bên cạnh đó phải đáp ứng được yêu cầu nghĩa vụ trả nợ hằng năm của UBND cấp tỉnh đối với các khoản vay lại vốn ODA, vay ưu đãi không vượt quá 10% nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp tại thời điểm xem xét khoản vay lại.
Về tỉ lệ cho vay lại vốn vay ODA, Nghị định 52 quy định tỉ lệ cho vay lại nguồn vốn vay ODA cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương do UBND cấp tỉnh đề xuất. Theo đó, địa phương có tỉ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50% áp dụng tỉ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA. Địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ Hà Nội, TP HCM) có tỉ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA. Riêng Hà Nội và TP HCM được vay lại 80% vốn ODA. Tỉ lệ cho vay lại 10% và 20% vốn vay ODA được áp dụng lần lượt cho địa phương có tỉ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên và từ 50% đến dưới 70%.
Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè từ nguồn vốn ODA của World Bank Ảnh: Tấn Thạnh
Vốn ODA giảm dần
Tính đến nay, đã có hơn 50 nhà tài trợ song phương và đa phương viện trợ ODA và vốn vay ưu đãi cho nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo thống kê, từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam lên đến gần 90 tỉ USD, tổng vốn đã ký đạt gần 74 tỉ USD, bình quân 3,5 tỉ USD/năm và đã giải ngân được khoảng 54 tỉ USD, chiếm hơn 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.
Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết trước năm 2010, Việt Nam vẫn là nước thu nhập thấp, các khoản vay thường được ưu đãi với chi phí vay khoảng 0,7% đến 0,8%/năm và có kỳ hạn bình quân 30 đến 40 năm. Nhưng khi trở thành nước có thu nhập trung bình, thời hạn vay bình quân trong giai đoạn 2011-2015 chỉ còn từ 10 đến 25 năm, chi phí vay cũng tăng lên từ mức 2% đến 3,5%/năm. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp, trong đó vừa có vốn tài trợ, vừa có vốn thương mại, kèm theo những điều kiện ràng buộc khác. Trước áp lực sẽ phải cam kết trả nợ nhanh, tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc, Bộ Tài chính đã phối hợp với các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng các kịch bản trả nợ nhanh, đánh giá việc ảnh hưởng tới ngân sách để có các phương án trả nợ, tránh tác động lớn đến nền kinh tế.
Dự kiến từ tháng 7 tới, WB sẽ họp bàn để đưa một số nước ra khỏi danh sách được hưởng vốn vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc WB, trong đó có Việt Nam. Không chỉ có khả năng bị cắt giảm vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ WB, quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ khác cũng đang có những điều chỉnh nhất định về chính sách theo hướng giảm dần ưu đãi như thay đổi cơ cấu nguồn vốn và chính sách viện trợ, phương thức hợp tác phát triển...