Ngay từ khi mới thành lập, Sacombank đã mang hoài bão làm thế nào để sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng có thể tiếp cận đến từng người dân trên khắp mọi miền đất nước một cách nhanh nhất. Vì vậy trong 20 năm đầu tiên từ khi ra đời, phát triển mạng lưới là một trong những giải pháp then chốt trong chiến lược của Sacombank. Đến năm 2012, hệ thống mạng lưới lên đến gần 430 điểm giao dịch là lợi thế nổi bật của Sacombank trong nhóm các ngân hàng TMCP trong nước, phủ kín tất cả các tỉnh thành khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đồng thời tiên phong mở rộng hoạt động ra khỏi biên giới Việt Nam với Chi nhánh tại Lào và Campuchia. Chiến lược này càng thể hiện tầm nhìn của Sacombank khi Thông tư 21 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành vào năm 2013 "siết chặt" việc mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM).
Rồi bước ngoặc quan trọng một lần nữa đã nâng tầm quy mô hoạt động của Sacombank dẫn đầu vượt bậc so với các NHTM cổ phần khi ngày 01-10-2015, Sacombank chính thức nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào hệ thống theo định hướng chung của Chính phủ và NHNN trong chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Trước sáp nhập, Southern Bank có 135 điểm giao dịch, chủ yếu tập trung ở khu vực TP HCM và các tỉnh thành miền Tây Nam bộ. Sau sáp nhập, mạng lưới của Sacombank tăng lên 563 điểm giao dịch, đứng thứ 5 trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, chỉ sau 4 ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để khai thác hiệu quả nhất mạng lưới mới này khi địa bàn trọng yếu của Ngân hàng Phương Nam cũng là địa bàn đã được Sacombank phủ kín? Sacombank buộc phải "lột xác" mạng lưới.
Ngân hàng này đã tái bố trí mạng lưới bằng cách nâng cấp toàn bộ các Quỹ tiết kiệm lên mô hình Phòng giao dịch để được mở rộng các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, chuyển quyền quản lý các điểm giao dịch có địa bàn chồng chéo, đổi tên, di dời các điểm giao dịch có vị trí gần nhau đến các địa bàn tiềm năng hơn để mở rộng thị trường. Tính đến cuối tháng 6-2017, Sacombank đã thực hiện tái bố trí được 150 điểm giao dịch nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định. Địa bàn mà Sacombank đang hướng đến là các khu vực ngoại thành, vùng ven, vùng sâu, vùng xa để mang dịch vụ ngân hàng tiện ích đến tận tay người dân nơi đây, đồng thời góp phần phát triển kinh tế địa phương, theo đúng định hướng hoạt động xuyên suốt của Ngân hàng. Gần đây nhất là ngày 12-6 Sacombank vừa khai trương PGD Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè (TP HCM), ngày 19-6 đồng loạt khai trương trụ sở mới Chi nhánh Từ Liêm (Hà Nội), Chi nhánh Quận 9, PGD Tam Hà quận Thủ Đức và PGD Đại Nam quận 3 tại Tp.HCM, Ngân hàng cũng đầu tư mở rộng trụ sở mới Chi nhánh Đắk Nông rất khang trang hiện đại vào ngày 22-6.
Đặc biệt, theo Đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt vào ngày 22-5, Sacombank sẽ được mở 14 chi nhánh ở phía Bắc trên cơ sở chuyển đổi giấy phép của các chi nhánh hiện có và thành lập 14 PGD trên cơ sở các chi nhánh đã chuyển giấy phép để tiếp tục phục vụ khách hàng tại địa bàn. Như vậy, trong thời gian sắp tới, Sacombank sẽ lần lượt có mặt tại các tỉnh như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Giang, Bắc Kạn… Có thể nói, đây là một bước tiến mạnh mẽ trong phát triển mạng lưới của Sacombank khi hầu hết các ngân hàng đều bị hạn chế mở chi nhánh theo quy định của Thông tư 21 hiện nay. Sau khi hoàn tất khai trương 14 chi nhánh tại 14 tỉnh trên, Sacombank sẽ phủ kín mạng lưới tại 62/63 tỉnh thành Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, Sacombank còn đầu tư xây dựng các trụ sở Chi nhánh, Phòng giao dịch với cơ sở vật chất hiện đại và thống nhất hệ thống nhận diện thương hiệu và quy chuẩn hoạt động với phương châm phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Đó còn là thể hiện cam kết gắn bó vì sự phát triển của các thành phần kinh tế trên địa bàn.