Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011- 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm được 11.036 tỉ đồng, thu về 10.742 tỉ đồng. SCIC đã bán vốn tại 411 doanh nghiệp (DN) với doanh thu bán vốn đạt 8.726 tỉ đồng, giá vốn 3.595 tỉ đồng, thặng dư bán vốn hơn 5.130 tỉ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách.
Chưa thoái hết vốn tại các lĩnh vực nhạy cảm
Trong năm 2016, các đơn vị đã thoái được 5.149 tỉ đồng, thu về 18.832 tỉ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.038 tỉ đồng, thu về 14.199 tỉ đồng. Trong đó thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm được 35,8 tỉ đồng, thu về 36,3 tỉ đồng.
Việc thoái vốn tại các lĩnh vực nhạy cảm vẫn gặp khó khăn. Ví dụ, theo tiến độ thoái vốn đầu tư vào ngân hàng của Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, năm 2016 mới chỉ thoái được một phần vốn tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Nguyên nhân do thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều khó khăn, thanh khoản của các cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết còn thấp nên chưa thoái vốn được cổ phần tại 2 ngân hàng nói trên.
Liên quan đến vấn đề thoái vốn của các DN viễn thông, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các DN đã niêm yết của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Cụ thể là giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với trường hợp thoái vốn tại Công ty Cổ phần Khách sạn Bưu điện Khánh Hòa (P&T Hotel) để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13-10-2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN cho phù hợp với thực tế thoái vốn tại các DN.
Xác định trách nhiệm cá nhân trong cổ phần hóa DN
Về tình hình cổ phần hóa (CPH) DNNN, trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã CPH 508 DN với tổng giá trị thực tế DN là 760.774 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỉ đồng. Năm 2016 đã có 56 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với vốn điều lệ 24.379 tỉ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, các đơn vị đang tổ chức triển khai thực hiện CPH các DN theo Danh mục DN NN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.
Để đẩy mạnh CPH, tái cơ cấu DNNN giai đoạn tới, Bộ Tài chính kiến nghị cần xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN. Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chủ tịch HĐTV tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ; xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả việc sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN. Trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương xây dựng danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu DN nhà nước giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở các đơn vị triển khai, thực hiện.