Nguyễn Thị Phương Thảo là một người phụ nữ nhỏ nhắn, thường cười ngọt ngào và trả lời các câu hỏi bằng giọng nói nhẹ nhàng, có phần lễ phép với tiếng: “Dạ thưa!”.
Dù vậy, những người từng tiếp xúc với bà, ví dụ như hãng tin CNBC lại đưa ra “cảnh báo” đừng để vẻ ngoài của bà chủ Vietjet Air đánh lừa. Thực chất, bà Thảo hoàn toàn không phải là người phụ nữ: " Dạ thưa!".
CEO của Vietjet Air
Trong vai trò là người sáng lập kiêm CEO của Vietjet Air, bà Thảo đã tạo ra sự thay đổi lớn trên thị trường hàng không với mô hình hàng không giá rẻ. Với sự phát triển nhanh chóng tính đến cuối năm 2016, Vietjet Air có tổng cộng 5 căn cứ khai thác: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Hải Phòng, khai thác 37 đường bay nội địa, 23 đường bay quốc tế và nhiều tuyến bay thuê chuyến. Hãng cũng dự kiến sẽ tăng số đường bay nội địa lên 45 vào năm 2019 và 36 đường bay quốc tế vào năm 2018...
Về thị phần, sau 5 năm hoạt động, hãng bay của bà Thảo đã chiếm đến 41,5% thị phần hàng không trong nước, đuổi gần kịp Vietnam Airlines đang chiếm 42% (số liệu cập nhất vào giữa năm 2016).
Tháng 2/2017, Vietjet Air đã chính thức IPO trên sàn chứng khoán. Nhờ thế, bà Thảo được góp mặt trong danh sách tỷ phú năm 2017 của Forbes với tổng giá trị tài sản hơn 1,2 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên Forbes ghi nhận thêm một nữ tỷ phú đến từ Việt Nam.
Chia sẻ tại hội nghị Women’s Summit 2017, người phụ nữ với kiểu tóc kẹp thắt nơ cao, mái hỉ nhi đã thành thương hiệu thành thực bảo, bà đang phải làm quen dần với danh xưng tỷ phú. Bởi lẽ, lớn lên không thiếu thốn vật chất, 30 năm kinh doanh cũng chưa từng đếm xem trong tay có bao nhiêu tiền, với bà, kinh doanh chỉ bởi niềm đam mê, làm sao để doanh nghiệp có chỗ đứng, đưa ra được sản phẩm tốt nhất...
Việc đưa Vietjet Air lên sàn chứng khoán cũng vì mục tiêu mang đến cho nhà đầu tư, thị trường chứng khoán một sản phẩm mới mẻ. Và để thực hiện được điều đó, bà Thảo và đội ngũ nhân viên đã trải qua hơn 800 ngày làm việc liên tục.
Nguyên nhân là có một khoảng cách rất lớn giữa chuẩn mực trong nước và quốc tế. Đã có những lúc đội ngũ tư vấn đến từ 3 công ty lớn quốc tế đã phải “ngả mũ chào thua”, đã có những lúc ban dự án, ban giám đốc ngồi lại cùng nhau tính chuyện dừng... Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của nữ CEO nhỏ nhắn, mọi thứ đã được đi đến cùng.
Dù vậy, bà Thảo nói với thính giả tại sự kiện Women’s Summit rằng mình chẳng phải “dồn sức” gì trong 800 ngày đó. Bà bảo làm việc chăm chỉ đã thành thói quen của bà trong suốt 30 năm với một ngày bắt đầu tư 5h sáng và thường kết thúc vào lúc 2h sáng hôm sau. Thách thức ở đây đến từ team dự án.
Đó là việc làm thế nào để mọi người trong nhóm có thể làm việc, nghỉ ngơi, tiếp thu được những điều mới, nhẫn nại đến cùng. Hay khi gặp bế tắc từ các cơ quan chức năng, bà Thảo lại tự mình đi “năn nỉ, giải thích” để các cơ quan này hiểu và ủng hộ.
“Công việc của tôi chỉ có vậy”, bà nói.
Đam mê, quyết liệt trong công việc nhưng tính nữ của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn bộc lộ mạnh mẽ thông qua những phục trang của bà, qua lời nói có phần ngọt ngào, lễ phép và uyển chuyển.
Chia sẻ về việc cân bằng giữa cuộc sống của một doanh nhân và một người phụ nữ, bà Thảo cho biết bản thân đã mang chất phụ nữ vào kinh doanh và mang những kiến thức kinh doanh, quản trị vào cuộc sống hàng ngày.
Nghĩa là bà không chối bỏ bất cứ thứ gì mà chọn lựa, tính nữ làm cho việc kinh doanh trở nên mềm mỏng, thuyết phục, tựa như “lạt mềm buộc chặt”, còn những kiến thức như quản trị, điều hành trong công việc thường nhật sẽ khiến mọi việc được gọn gàng, logic hơn.
Bà Thảo cũng bảo khi nhìn vào khối lượng công việc, mục tiêu của bà, người ta có thể lầm tưởng bà không có thời gian cho gia đình. Nhưng thực tế, bà vẫn có thời gian đi xem phim với con lớn, tắm và bế ẵm con bé… như bất cứ người phụ nữ bình thường nào.