Ông Trần Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ TP HCM, cho biết như trên tại hội thảo về tương tác thương mại Việt - Mỹ sau năm 2016 vừa được tổ chức tại TP HCM. Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) nhận định Mỹ sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm tới.
Tiềm năng xuất khẩu rất lớn
Theo một dự báo đầy tham vọng, nhưng có cơ sở được ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn hội nhập toàn cầu GIBC, đưa ra là trong nhiều năm tới Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của hàng hóa Việt Nam với nhiều sản phẩm đa dạng khác, chứ không chỉ hàng dệt may, da giày…
Về quan hệ thương mại Việt - Mỹ trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm, cho biết tốc độ tăng trưởng thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ trong 10 năm trở lại đây luôn đạt mức tăng trưởng cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2006 đạt 8,8 tỉ USD, đến năm ngoái đạt trên 41 tỉ USD, mức tăng trưởng bình quân 19%/năm. Tại TP HCM, kim ngạch thương mại 2 chiều với Mỹ đã tăng từ 5 tỉ USD lên hơn 8 tỉ USD trong năm 2016. Hiện tại, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, không chỉ xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng mạnh, Việt Nam cũng là thị trường nhập khẩu hàng hóa rất lớn từ Mỹ. Năm 2015, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng 24%, đạt 7,1 tỉ USD. Dự báo đến năm 2020, ngay cả không có TPP, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đạt khoảng 57 tỉ USD.
Theo ông Trần Ngọc Châu, dù giới truyền thông luôn cho rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng trên thực tế TPP giúp loại bỏ 18.000 khoản thuế nước ngoài đánh vào hàng hóa, dịch vụ sản xuất tại Mỹ. Lúc này, sẽ làm tăng đáng kể lượng xuất khẩu và đầu tư của Mỹ vào châu Á trong đó có Việt Nam. Nếu các loại thuế đánh vào hàng xuất khẩu của Mỹ hiện nay được loại bỏ theo TPP, xuất khẩu của Mỹ cũng sẽ tăng đáng kể trong tương lai.
Doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đầu tư ở Việt Nam
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), cho rằng những công ty công nghệ của Mỹ như Intel vẫn tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam cho dù có TPP hay không. Sau tái cơ cấu của tập đoàn, hiện Intel vẫn đang gia tăng các chủng loại cũng như sản lượng sản xuất tại khu công nghệ cao. Riêng năm 2016, giá trị xuất khẩu của nhà máy Intel tại TP HCM tăng vượt bậc, đạt mức 4 tỉ USD.
Tại hội thảo, bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM, cho biết các DN Mỹ đang quan tâm và mong muốn sẽ đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như hạ tầng, năng lượng, hàng không, công nghệ cao, xây dựng TP thông minh hoặc hợp tác với DN Việt thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua Mỹ… Thời gian qua, quá trình cải cách của Việt Nam được đánh giá cao, qua đó tạo sân chơi bình đẳng và thúc đẩy các DN Mỹ tăng cường đầu tư tại Việt Nam.
Về phía DN Mỹ, ông Walter Blocker, nguyên chủ tịch Amcham tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Vietnam Trade Alliance, cho biết sự hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ tăng lưu lượng hàng hóa giữa hai bên mà còn tăng tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng sản phẩm, gia tăng năng suất lao động tại các DN. Hiện các DN Mỹ đang hợp tác với phía Việt Nam nhằm tạo thuận lợi hóa trong thương mại giữa hai nước và hỗ trợ DN Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.