Chị Thu Nga, Bình Tân, TP HCM cho biết bất ngờ nhận được một email thông báo trúng thưởng một chiếc xe máy trị giá 60 triệu đồng trong một chương trình quay số ngẫu nhiên dành cho các khách hàng đã tham gia thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua hàng tại một siêu thị trên địa bàn.
Để nhận giải, thư này yêu cầu chị Nga cung cấp lại thông tin liên quan đến thẻ tín dụng (số tài khoản, số thẻ và mật khẩu giao dịch trực tuyến - mã OTP) để kiểm tra sự chính xác về người trúng thưởng.
Ngân hàng khuyến cáo người dùng tuyệt đối không được cung cấp thông tin "nhạy cảm" của thẻ qua điện thoại hoặc thư điện tử vì bất cứ lời đề nghị yêu cầu nào.
Lúc đó chị cho biết rất mừng vì nghĩ rằng trúng thưởng thật và chuẩn bị cung cấp ngay thông tin phản hồi. "Tuy nhiên, sau một lúc bình tĩnh lại, tôi nhớ là mình chưa bao giờ thanh toán bằng thẻ tại siêu thị mà họ đề cập thì làm sao quay số trúng thưởng được. Tôi gọi điện tới siêu thị này thì được biết không có chương trình bốc thăm trúng thưởng nào và đó chỉ là trò lừa đảo", chị nói.
Không chỉ trường hợp của chị Nga, hiện có khá nhiều người cho biết bị các đối tượng xấu dùng các chiêu thức tinh vi như gọi điện dưới danh nghĩa cơ quan điều tra yêu cầu nộp tiền vào một tài khoản khác nhằm bảo lãnh, phục vụ việc điều tra; hoặc là giả làm nhân viên của một ngân hàng thông báo thẻ tín dụng có vài vấn đề và yêu cầu cung cấp những thông tin liên quan để điều chỉnh...
Liên quan vấn đề này, Ngân hàng Kỹ thương - Techcombank cho biết, nhà băng cũng đang ghi nhận xu hướng lừa đảo tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản qua thẻ và tài khoản ngân hàng được thực hiện bởi các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước.
"Bằng các thủ đoạn mạo danh cán bộ cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng, thậm chí làm giả cả các trang mạng bán hàng trực tuyến, các đối tượng xấu có thể dễ dàng lừa chủ thẻ cung cấp các thông tin nhạy cảm liên quan đến thẻ và tài khoản của mình dẫn đến thiệt hại về tài sản", ngân hàng thông tin.
Ngoài ra, theo ghi nhận của các ngân hàng như: HSBC, Vietcombank, BIDV, ACB... thời gian qua, một số khách hàng cũng phản ánh có người gọi đến xưng danh là cán bộ chăm sóc khách hàng của ngân hàng thông báo việc khách đã trúng thưởng và đề nghị khách hàng chuyển tiền, nạp tiền điện thoại vào số điện thoại chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng...
Một chuyên gia kinh tế đánh giá thêm, sở dĩ nạn lừa đảo đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng có cơ hội phát triển, một phần xuất phát từ yếu tố chủ quan là người dân thiếu cảnh giác, cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật, còn có nguyên nhân từ sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan chức năng.
Điều này được thể hiện qua việc quản lý giới "tin tặc", các diễn đàn "tin tặc", việc truy cập khai thác thông tin trên mạng, đến việc mua bán, sử dụng sim "rác" điện thoại đều bị buông lỏng, không kiểm soát được. Thêm vào đó, việc mở tài khoản, thẻ ATM và chuyển giao cho người khác sử dụng mà không có những ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của chủ thẻ. "Ðây là những cơ hội để loại tội phạm công nghệ cao gia tăng", ông nói.
Trước thực trạng trên, đại diện Techcombank khuyến nghị người dùng cần bảo mật các thông tin thẻ và tài khoản, tuyệt đối không chụp ảnh mặt thẻ, thông tin thẻ để lưu trữ hoặc chia sẻ cho người khác, qua thư điện tử hoặc các trang mạng xã hội.
Khi mua hàng online, người dùng phải kiểm tra kỹ tính xác thực của các trang mạng bán hàng trực tuyến, không cung cấp thông tin thẻ hoặc mã OTP để mua hàng tại các đơn vị không rõ nguồn gốc; sử dụng và liên tục cập nhật các phần mềm diệt virus và chống gián điệp tại các thiết bị di động hoặc máy tính thường xuyên sử dụng để mua hàng trên mạng.
Ngoài ra, nhà băng này đề nghị người dùng tuyệt đối không được cung cấp thông tin thẻ qua điện thoại hoặc thư điện tử vì bất cứ lời đề nghị hoặc yêu cầu nào, nếu phía liên lạc là ngân hàng thì sẽ không bao giờ yêu cầu những thông tin này mà chỉ kiểm tra một số thông tin cá nhân làm thông tin xác thực. Khi thanh toán thẻ trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị, người dùng phải luôn giữ thẻ trong tầm mắt, tránh cho việc thông tin thẻ có thể bị chụp trộm hoặc đánh cắp.