Trong quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa - cao su, điện - điện tử và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao là những lĩnh vực được nhấn mạnh. Mục tiêu lớn đặt ra cho ngành sản xuất linh kiện đến năm 2020 là đáp ứng 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp và 80% đến năm 2030.
Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), tại các KCN-KCX TP HCM hiện có hơn 260 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chiếm trên 50% tổng doanh nghiệp FDI, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành điện tử, cơ khí, ô tô... Sản phẩm của các doanh nghiệp này chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thực hiện các công đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp này được nhập khẩu từ nước ngoài, cho thấy liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
TP HCM xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, hạn chế nhập siêu, tăng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây được xem là giải pháp đột phá để đổi mới cơ cấu đầu tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố từ chiều rộng sang sâu.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, trở thành một động lực cho tăng trưởng kinh tế, thành phố đã thành lập trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, thành lập phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, xây dựng các phân khu nhà xưởng cao tầng có quy mô diện tích, giá thuê mặt bằng phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp nhỏ và vừa (dưới 500 m2/lô) tại KCX Tân Thuận, KCN Hiệp Phước. Bổ sung các dự án công nghiệp hỗ trợ vào chương trình kích cầu đầu tư; bổ sung nội dung trong chương trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020. Triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn, tổ chức kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Triển khai mô hình đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ thông qua hình thức gắn kết giữa các viện, trường với trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thành phố từng ngày đẩy mạnh việc liên kết giữa các nhà đầu tư trong khu công nghệ cao và các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước, đồng thời tích cực hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước có đủ khả năng cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn nước ngoài với nhiều cơ chế chính sách từ xúc tiến thương mại đầu tư, kết nối cung cầu, hỗ trợ tín dụng, quản trị doanh nghiệp, đào tạo bồi dưỡng doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới nâng cao công nghệ, thiết bị đáp ứng yêu cầu hội nhập..