Đây là nhận định của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu duy trì ở mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ khi đạt 79,3 tỉ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ (cao hơn nhiều mức tăng 6,3% của cùng kỳ năm ngoái).
Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng khá
Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, là thế mạnh của Việt Nam có kim ngạch tăng trưởng cao như dệt may, giày dép, thủy sản...
Số liệu cụ thể từ Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu dệt may của cả nước trong 5 tháng đạt 9,39 tỉ USD tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu chính hàng may mặc như Mỹ, Nhật, EU đều tăng trưởng khả quan. Với mặt hàng giày dép, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 5,65 tỉ USD tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường có mức tăng trưởng khá mạnh như Trung Quốc với 418 triệu USD tăng 29,1% so với cùng kỳ... Một số doanh nghiệp dệt may, da giày cho biết đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III, thậm chí cuối năm giúp ổn định tình hình sản xuất. Tương tự, xuất khẩu hàng thủy sản trong 5 tháng đầu năm cũng đạt 2,85 tỉ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Ấn tượng nhất phải kể đến là mặt hàng rau quả, khi kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 5 tháng đạt gần 1,4 tỉ USD, tăng tới 41,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm tăng mạnh nhờ giá xuất khẩu tăng so với cùng kỳ. Chẳng hạn, giá xuất khẩu tăng kéo kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực tăng thêm 627 triệu USD, nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng thêm 377 triệu USD. Đồng thời, lượng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, nhiên liệu và khoáng sản cũng tăng khá mạnh.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước những tháng đầu năm tiếp tục phục hồi và là tín hiệu tích cực. Khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt kim ngạch xuất khẩu 22 tỉ USD trong 5 tháng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Yếu tố đóng góp vào sự phục hồi của xuất khẩu khối này là tăng trưởng của nhóm hàng nông sản, thủy sản khi đạt tới 9,7 tỉ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu dệt may của cả nước tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước Ảnh: Vĩnh Tùng
Nhập khẩu tăng cao nhưng không đáng lo
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước 5 tháng đầu năm ước đạt 82 tỉ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2016, tương đương mức tăng tuyệt đối khoảng 15,8 tỉ USD. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu tăng cao nhưng tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần nhập khẩu.
Chẳng hạn, nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt khoảng 14,9 tỉ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm 2016. Nhập khẩu máy móc, thiết bị có sự tăng trưởng mạnh trong các tháng đầu năm, chủ yếu do tăng nhập khẩu của các công ty thuộc Tập đoàn Samsung (trong đó có Samsung Display đẩy mạnh nhập khẩu máy móc thiết bị để phục vụ dự án mới được điều chỉnh tăng vốn)...
Với nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nhóm điện thoại các loại và linh kiện (trừ điện thoại di động) nhập khẩu cũng khá cao. Đây cũng là những sản phẩm đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu. Và mức tăng trưởng nhập khẩu các nhóm hàng này sẽ góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng máy tính, điện tử và linh kiện trong thời gian tới.
Theo chu kỳ hằng năm, xuất khẩu nông, thủy sản sẽ tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm. Các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II. Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm giúp tăng trưởng xuất khẩu khả quan thời gian tới.
Trong các tháng tiếp theo, đại diện Bộ Công Thương dự báo, tăng trưởng nhập khẩu có khả năng giảm dần do xu hướng giảm giá một số mặt hàng như giá thép, phân bón, xăng dần; nhập khẩu máy móc thiết bị đã tăng rất cao trong những tháng đầu năm do việc giải ngân của một loạt các dự án và sẽ giảm dần trong những tháng tiếp theo...
Nhập siêu tăng do phục vụ các dự án đầu tư
Trong 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại cả nước thâm hụt khoảng 2,7 tỉ USD bằng 3,4% kim ngạch xuất khẩu. Theo Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân khiến nhập siêu tăng do nhập khẩu tăng mạnh để phục vụ các dự án đầu tư. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, ước tính tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt khoảng 6,15 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực chế biến, chế tạo. Do đó, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng và sắt thép, kim loại tăng cao. Ngoài ra, các dự án điện lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Điện lực Vĩnh Tân 1, Nhiệt điện Thăng Long... cũng tăng cường nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ một số dự án về năng lượng…