Khác với xu hướng của các năm gần đây, trong 3 tháng đầu năm, tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH) đã tăng khá mạnh. Theo thống kê của NH Nhà nước, tính đến cuối tháng 3-2017, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ở mức 4,03% so với đầu năm, trong khi huy động vốn tăng 3,07%.
Dồn vốn cho sản xuất, kinh doanh
Ngay từ đầu năm, trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống, NH Nhà nước đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 của hệ thống là 18%). Trong quý I/2017, NH Nhà nước cho biết đã triển khai các giải pháp tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời chỉ đạo các NH thương mại có giải pháp tạo điều kiện trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng cũng được NH Nhà nước ban hành nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay. Hiện tín dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng 80% tổng dư nợ của nền kinh tế. Thống kê chi tiết của NH Nhà nước đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng cả nước đạt hơn 5,5 triệu tỉ đồng, tăng 18,71% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng mạnh nhất là lĩnh vực vận tải và viễn thông, tăng 25,52%, tín dụng cho nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 20,06%...
Tại TP HCM, theo NH Nhà nước Chi nhánh TP, tính đến cuối tháng 3-2017, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt hơn 1,51 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với cuối năm. Vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh chiếm khoảng 80% tổng dư nợ.
Áp mức tăng trưởng tín dụng để kiểm soát
NH Nhà nước cho biết sẽ theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn và tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông.
Thực tế, theo ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP, gần đây, cơ cấu tín dụng có xu hướng thay đổi theo hướng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất (bất động sản, tiêu dùng và chứng khoán) tăng dần. Dù tín dụng vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh song tỉ trọng trong tổng dư nợ đã thấp hơn trước đây.
“Bài học về tăng trưởng tín dụng nóng còn nguyên giá trị, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, tổ chức tín dụng cần thực hiện nghiêm quy định về lãi suất, cho vay và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được phê duyệt” - ông Cường nói.
Tại buổi làm việc giữa NH Nhà nước với các tổ chức tín dụng mới đây, một số NH thương mại kiến nghị về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH nên tính trên số dư nợ bình quân trong năm hoặc tính trên dư nợ cuối năm thay vì quy định dư nợ mọi thời điểm phải bảo đảm với tốc độ tăng trưởng tín dụng quy định.
Tại sao phải giao chỉ tiêu tín dụng cho từng NH? Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho biết ở các nước không có việc giao chỉ tiêu tín dụng mà chỉ kiểm soát các chỉ số an toàn. Nhưng do yêu cầu phải bảo đảm các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam nên NH Nhà nước phải vừa kiểm soát chỉ số an toàn và tăng trưởng tín dụng. Thực tế, có một số NH nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được thả lỏng về chỉ tiêu tăng tín dụng do tuân thủ tốt các chỉ số an toàn, trong khi mức tuân thủ của NH thương mại trong nước chưa cao nên cần sự kiểm soát của cơ quan quản lý.