Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo NH châu Á lần thứ 17 vừa diễn ra tại Hà Nội. Áp lực từ hội nhập sẽ buộc các tổ chức tài chính trong nước phải nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.
Gia tăng áp lực cạnh tranh
Chia sẻ tại hội thảo về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới đây, TS Cấn Văn Lực, Hàm Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết theo lộ trình cam kết đến năm 2018 khi TPP có hiệu lực, Việt Nam phải mở cửa rộng hơn trong ngành NH, bảo hiểm và thị trường vốn. Hiện nhiều NH thương mại của các nước thành viên TPP đã có hiện diện thương mại ở hầu hết các nước trong khối nhằm mở rộng cơ hội đầu tư ra bên ngoài, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, đầu tư, du lịch… Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng khi TPP chính thức có hiệu lực.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận TPP sẽ giúp các dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh tạo thuận lợi cho hệ thống NH tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh. Các NH thương mại cũng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam sẽ được cải thiện nhiều. Việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực tài chính NH còn giúp mở rộng cơ hội hợp tác, nâng cao năng lực quản trị, tài chính...
Theo NH Nhà nước, hiện mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính NH là khá cao so với khu vực, khi hầu hết hình thức chi nhánh, NH 100% vốn nước ngoài, NH liên doanh… đều có mặt ở thị trường trong nước. Thời điểm đàm phán TPP, một số nước như Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường tài chính Việt Nam và đã yêu cầu được mở rộng việc cổ phần lên trên mức 30%. Nhưng NH Nhà nước cho rằng mức nắm giữ 30% cổ phần đã đủ giúp các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Và trên thực tế, từ sau WTO có rất nhiều tổ chức tài chính quốc tế rót vốn vào các NH thương mại trong nước nhưng tỉ lệ nắm giữ cũng chỉ 10%-20% cổ phần nên việc quy định tỉ lệ 30% là phù hợp.
Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư ngoại
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, Việt Nam là nền kinh tế đặc thù với hệ thống NH là kênh dẫn vốn chủ đạo cho cả nền kinh tế. Thời gian qua, toàn bộ hệ thống NH đã thực hiện cải cách toàn diện nhằm phát huy tối đa vai trò của mình cũng như đáp ứng sự phát triển năng động của một nền kinh tế đang đổi mới. Sau 5 năm cải cách, hệ thống các tổ chức tín dụng được tái cơ cấu mạnh mẽ, tiến gần hơn với thông lệ chuẩn mực quốc tế…
Trong khi đó, quá trình hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, là áp lực và cả động lực để cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính trong nước không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Thống đốc cũng khẳng định sẽ bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. NH Nhà nước cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn vào quá trình tái cơ cấu cùng các NH thương mại trong nước.
Liên quan đến cạnh tranh, theo các chuyên gia tài chính, bất lợi về công nghệ, sản phẩm không phải quá lớn đối với ngành NH nội địa bởi chính những người Việt cũng đang vận hành các NH nước ngoài tại Việt Nam. Câu chuyện ở đây là các NH nội địa vẫn có lợi thế riêng nên làm sao từng cá nhân, từng tổ chức tài chính phát huy điểm mạnh, tập trung đúng vào phân khúc của mình.