Trong nhiều năm qua, ngành điện nói chung và Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN PSC) nói riêng đã liên tục đầu tư công nghệ mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phục vụ tốt vận hành lưới điện, nâng cao năng suất lao động và cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng điện ngày càng tốt hơn.
Đầu tư công nghệ mới
Với mục tiêu hiện đại hóa lưới điện, nâng cao hiệu quả, độ tin cậy cung cấp điện và giảm thiểu chi phí vận hành cho các trạm 110 KV và lưới điện phân phối, EVN SPC đã triển khai lắp đặt hệ thống SCADA bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Hệ thống làm nhiệm vụ điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu các trạm 110 KV và các Recloser trung thế trên địa bàn quản lý, phục vụ cho việc ghép nối các trạm biến áp (TBA) 110 KV của EVN SPC với hệ thống SCADA/EMS của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam nhằm phục vụ cho công tác điều độ lưới điện. Hiện tại, EVN SPC đang thực hiện chạy thử nghiệm kiểm tra độ sẵn sàng của hệ thống SCADA và dự kiến hoàn thành trong năm 2017.
Đặc biệt trong năm 2016, EVN SPC đã triển khai và đưa vào vận hành 60 TBA 110 KV không người trực (điều khiển từ xa). Từ đầu năm đến nay đã có thêm 51 TBA không người trực đi vào vận hành. Đại diện lãnh đạo EVN SPC cho biết phấn đấu đến cuối năm 2017 hoàn tất đúng tiến độ dự án TBA 110 KV không người trực SCADA, mở rộng triển khai trên toàn địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam.
Ngoài dự án trên, thời gian qua, EVN SPC cũng đã và đang triển khai nhiều đề án ứng dụng công nghệ mới nhằm hiện đại hóa lưới điện. Điển hình như đề án trang bị công nghệ sửa chữa hotline và vệ sinh hotline, trong năm 2016 đã trang bị 68 bộ thiết bị vệ sinh hotline cho 19 công ty điện lực và Công ty Lưới điện cao thế miền Nam; đề án ứng dụng phần mềm quản lý lưới điện nền tảng GIS (GIS 110 KV và GIS 22 KV).
Áp dụng công nghệ mới, công nhân Điện lực Đồng Nai thi công sửa chữa đường dây nhưng không cắt điện lưới Ảnh: Đình Hoàng
Đối với đề án ứng dụng công nghệ mới trong quản lý kinh doanh, đến cuối năm 2016, tại 21 tỉnh, thành phía Nam đã lắp đặt được 1.866.730 công tơ tích hợp công nghệ PLC, 10.952 bộ tập trung DCU tại 177 đơn vị điện lực; khai thác đo ghi từ xa (ĐGTX) đạt 1.528.233 công tơ trên hệ thống. Sản lượng điện thương phẩm khai thác qua hệ thống ĐGTX đạt 475 triệu KWh/tháng, chiếm khoảng 10% sản lượng điện thương phẩm toàn EVN SPC.
Đem dịch vụ đến khách hàng
Bên cạnh phấn đấu hoàn tất đúng tiến độ dự án TBA 110 KV không người trực SCADA như nói trên, trong năm 2017, EVN SPC sẽ đồng loạt đầu tư nâng cấp sửa chữa lưới điện theo mục tiêu nâng cao độ tin cậy cung cấp điện có phân khúc đối với khu vực thành thị, khu vực tập trung sản xuất, dịch vụ. Song song đó hoàn thành trang bị, đào tạo và đưa vào vận hành các đội sửa chữa lưới điện hotline tại 14 tỉnh, thành (từ tháng 10-2017).
Theo kế hoạch đã thông qua, toàn tổng công ty tiếp tục triển khai lắp đặt công tơ điện tử và tăng cường áp dụng các giải pháp cung cấp dịch vụ thông tin sử dụng điện kịp thời, thuận tiện hơn nhằm phục vụ tốt công tác cung cấp thông tin đến khách hàng đầy đủ chính xác.
Đáng chú ý EVN SPC tiếp tục triển khai chương trình dịch vụ khách hàng giai đoạn 2016-2020 theo tiêu chí "Đem dịch vụ đến khách hàng". Chương trình với các giải pháp chủ động mang tiện ích đến khách hàng, cung cấp thông tin rõ ràng đầy đủ kịp thời qua ứng dụng công nghệ cùng với việc thực hiện đúng các tiêu chuẩn đã cam kết để nâng cao hiệu quả phục vụ của ngành điện với khách hàng.
Tổng công ty xác định việc lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng làm thước đo hiệu quả công tác dịch vụ khách hàng là yêu cầu quan trọng. Do đó, các đơn vị điện lực phải nâng mức độ hài lòng của khách hàng năm sau cao hơn năm trước, phấn đấu đến cuối năm 2020, các công ty điện lực đều đạt điểm trung bình đối với chỉ số này từ 8/10 điểm trở lên.
Mở rộng giao dịch với khách hàng
Cùng với đầu tư công nghệ mới trong công tác quản lý, vận hành lưới điện, thời gian tới, EVN SPC tiếp tục đa dạng hóa các hình thức giao dịch với khách hàng, trong đó có giao dịch về thu tiền điện, phát triển thanh toán điện tử. Theo đó, tiếp tục hợp tác với các ngân hàng, bưu cục, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến; mở rộng các điểm thu ngoài điểm giao dịch của ngành điện lực, như tại ngân hàng, máy ATM, cửa hàng bán lẻ, siêu thị...