Số tiền đầu tư vào các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp Việt Nam tăng 46% trong năm 2016, tương đương 205 triệu USD, theo báo cáo của Viện Topica Founder. Với dân số khoảng 95 triệu người - phần đông là trẻ và sành công nghệ, Việt Nam không chỉ là mảnh đất màu mỡ cho các DN trong nước mà còn thu hút giới khởi nghiệp quốc tế.
Đất lành chim đậu
Một số nhà đầu tư sớm nhận ra xu hướng này nên đã đón đầu từ lâu. Nhanh nhạy hơn cả phải kể đến quỹ đầu tư IDG Ventures (Mỹ). Kể từ năm 2004, Việt Nam lọt vào mắt xanh của IDG Ventures, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Một trong những khoản đầu tư đầu tiên của IDG Ventures Vietnam là rót vào VNG, thông qua một loạt dự án trong năm 2005. Công ty này đang sở hữu ứng dụng liên lạc hàng đầu Zalo (được định giá 1 tỉ USD) và giữ được mức lợi nhuận 100 triệu USD/năm kể từ thời điểm trên. Trong khi đó, chuỗi bán lẻ điện thoại lớn nhất Việt Nam - Thế Giới Di Động - đã niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM và có thông tin rằng tổng doanh thu năm 2016 của họ ước khoảng 70 triệu USD.
"Thị trường sẽ chứng kiến nhiều thỏa thuận lớn như kiểu VNG và Thế GIới Di Động trong tương lai. Các DN khởi nghiệp nhỏ đang bắt kịp hầu hết xu hướng trên thế giới và Việt Nam là thị trường hoàn hảo để giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới" - ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch IDG Ventures Vietnam, nói với trang TechNode hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Fintech (công nghệ tài chính) đang là lĩnh vực hút đầu tư ở Việt Nam, với việc các công ty khởi nghiệp ngành này nhận được các thỏa thuận trị giá tới 129 triệu USD trong năm 2016. Những thỏa thuận "khủng" phải kể tới: M Service, công ty quản lý ví điện tử MoMo, nhận 28 triệu USD của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) hồi tháng 3-2016; Payoo, cung cấp các dịch vụ cho nền tảng thương mại điện tử, nhận 2 triệu USD từ Công ty NTT Data (Nhật Bản); E-pay bán được 62,5% cổ phần cho Công ty UTC Investment (Hàn Quốc) với giá 34 triệu USD...
Theo TechNode, Việt Nam có thể không phải là lựa chọn đầu tiên của các công ty nước ngoài song lại có tiềm năng trở thành trung tâm khởi nghiệp của Đông Nam Á. Ở Việt Nam hội tụ nhiều ưu điểm như: không cần quá nhiều tiền để duy trì kinh doanh nhờ chi phí sinh hoạt, quảng bá, tiền lương... thấp; thị trường đang phát triển mạnh với tăng trưởng GDP đạt 6,21% năm 2016, thuộc nhóm cao nhất thế giới; lực lượng lao động trẻ, rành công nghệ...
Lao động trẻ và rành công nghệ là ưu điểm lớn của Việt Nam trên đường trở thành trung tâm khởi nghiệp Đông Nam Á Ảnh: TechNode
Cơ hội vươn xa
Từ bệ phóng trong nước, nhiều DN Việt Nam chớp thời cơ phát triển sang các nước láng giềng. Có thể lấy ví dụ là NextTech, công ty công nghệ với bề dày 15 năm hoạt động và đang tiên phong đưa kinh doanh truyền thống ở Việt Nam thành thương mại điện tử.
Theo trang Codapay, Việt Nam có tỉ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp nhất Đông Nam Á, chỉ 1,9% người trưởng thành sở hữu thẻ tín dụng. Ngoài ra, khoảng 26,3% người Việt Nam có thẻ ghi nợ nhưng chỉ phân nửa số thẻ này được sử dụng thực tế. Đa phần người Việt thích chuyển khoản, với 64% người có tài khoản ngân hàng thực hiện các giao dịch qua mạng. Những thực tế này hé lộ cơ hội khổng lồ cho các DN khởi nghiệp và cũng là lý do thúc đẩy thương mại điện tử, giao nhận kho vận điện tử (e-logistics) và fintech phát triển mạnh như hiện nay.
NextTech khởi động Chodientu.vn từ năm 2015 (được IDG Ventures đầu tư). Mang tham vọng trở thành thủ lĩnh thương mại điện tử ở Đông Nam Á, từ năm 2009, NextTech không ngừng đầu tư và mua lại các công ty khởi nghiệp hàng đầu. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech, công ty được thành lập vào năm 2001 và hiện có văn phòng ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Mỹ. Ba lĩnh vực xương sống của NextTech là thương mại điện tử xuyên biên giới (đầu tư vào công ty khởi nghiệp WeShop của Indonesia), giao nhận kho vận (với các dịch vụ BoxMe.vn, ShipChung.vn...) và thanh toán trực tuyến (thông qua NganLuong.vn, Softpay).
Ngoài NextTech còn phải kể đến Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica, chuyên cung cấp các giải pháp giáo dục trực tuyến. Ra đời năm 2008 ở Hà Nội, Topica đã mở rộng hoạt động sang Philippines, Singpore, Thái Lan, Indonesia và Mỹ. Một cái tên đáng chú ý khác là Foody.vn, dịch vụ đánh giá địa điểm ăn uống tại Việt Nam trên trang web và điện thoại di động. Được đầu tư bởi Quỹ đầu tư CyberAgent Venture (Nhật Bản), Garena (Singapore) và Tiger Global Investment, Foody.vn được xây dựng từ giữa năm 2012 tại TP HCM và hiện có hàng trăm ngàn địa điểm và bình luận.