Ngân hàng (NH) TMCP An Bình (ABBANK) vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn ghi danh bằng VNĐ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) với mức lãi suất lên tới 8,65%/năm. Khách hàng có thể mua chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn dài 18-60 tháng, được cho biếu tặng, thừa kế, chuyển nhượng và ủy quyền cho người khác giao dịch...
Áp lực tăng lãi suất
Trước đó, nhiều NH thương mại cũng triển khai huy động vốn qua kênh chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao nhất lên tới 9,2%/năm. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất qua kênh này được ghi nhận tại NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với mức 8,9%/năm kỳ hạn 60 tháng cho các khoản tiền gửi từ 5 tỉ đồng trở lên. Việc nhiều NH thương mại "đua" huy động vốn kỳ hạn dài qua sản phẩm chứng chỉ tiền gửi khiến thị trường lo ngại sẽ gây sức ép tăng lãi suất.
Trước đó, ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay là một nhiệm vụ đầy thách thức của NH Nhà nước. Trong cuộc họp về tình hình chính sách tiền tệ 5 tháng đầu năm mới đây, lãnh đạo NH Nhà nước cho biết đã theo dõi rất sát diễn biến thị trường. Khi một số NH thương mại tăng lãi suất, chủ yếu tăng lãi suất huy động tiền gửi trên 12 tháng, một số NH phát hành chứng chỉ tiền gửi, NH Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đưa ra giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất. Đồng thời, trong điều hành hằng ngày về thanh khoản, NH Nhà nước cũng điều tiết lãi suất, khối lượng và kỳ hạn giao dịch trên thị trường liên NH hợp lý nhằm hỗ trợ tổ chức tín dụng giữ ổn định mặt bằng lãi suất.
Đến cuối tháng 5-2017, theo NH Nhà nước, mặt bằng lãi suất trên thị trường tiếp tục ổn định, một số NH thương mại triển khai chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi ở từng nhóm khách hàng. Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng giữ ổn định mặt bằng lãi suất Ảnh: Tấn thạnh
Mặt bằng lãi vay đã giảm mạnh nhưng vẫn còn cao
Nhiều DN cho biết thời gian qua, lãi suất cho vay dù đã giảm nhiều, hỗ trợ DN giảm chi phí lãi vay, chi phí tài chính nhưng mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực. Điều này khiến DN khó cạnh tranh về chi phí tài chính so các đối thủ, nhất là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cũng nhìn nhận tại các buổi gặp gỡ, đối thoại với DN gần đây, vấn đề được các DN quan tâm là mặt bằng lãi vay dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn một số nước trong khu vực. Dù vậy, ông Minh cho biết lãi suất hiện nay đã giảm rất nhiều so với giai đoạn 5-6 năm trước. Cụ thể, mặt bằng lãi suất hiện nay chỉ bằng khoảng 40% so với lãi suất cuối năm 2011 và phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của người gửi tiền, tổ chức tín dụng và khách hàng vay.
Theo nghị quyết của Quốc hội, ngành NH cần phấn đấu đến năm 2020 giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Lãnh đạo NH Nhà nước cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh để ổn định lãi suất huy động, có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng bảo đảm an toàn tài chính trong hoạt động. Đặc biệt, mức lãi suất ưu đãi sẽ được dành nhiều hơn cho các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên, DN vừa và nhỏ, khởi nghiệp, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao...