Trung tâm Nghiên cứu của Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) vừa công bố một báo cáo xung quanh việc tăng cường năng lực tài chính của các NH thương mại nhà nước, sau khi Bộ Tài chính có công văn yêu cầu BIDV và NH TMCP Công Thương (VietinBank) chia cổ tức bằng tiền mặt.
Cấp vốn chính cho nền kinh tế
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu BIDV đã đưa ra bức tranh về những đóng góp của ngành NH trong phát triển kinh tế, hệ thống các NH thương mại phát triển ở quy mô lớn là kênh dẫn vốn chủ chốt trong nền kinh tế. Tính đến hết năm 2015, tổng dư nợ tín dụng hệ thống NH cung cấp cho nền kinh tế lên tới 4,65 triệu tỉ đồng, bằng 111% GDP. Nguồn tín dụng NH đang đóng vai trò là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế với tỉ trọng chiếm khoảng 40%-45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Trong đó, khối NH thương mại nhà nước có vai trò trọng yếu, thể hiện rõ nét trong giai đoạn tái cơ cấu các tổ chức tín dụng như tham gia tiếp quản, nhận sáp nhập các NH thương mại cổ phần yếu kém, đề xuất, thực hiện và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, đi đầu trong giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay...
Và trong quá trình thực hiện vai trò đối với nền kinh tế, năng lực tài chính của khối NH thương mại nhà nước thể hiện qua hệ số an toàn vốn (CAR) bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tài sản có rủi ro của khối NH thương mại nhà nước tăng trưởng trung bình ở mức 19,4%/năm, cao hơn mức tăng 15,43%/năm của vốn tự có, dẫn đến CAR của khối giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay. Mức này đã gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NH Nhà nước và thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3%.
Suy giảm năng lực tài chính
Cũng theo báo cáo này, trong khi năng lực tài chính suy giảm thì các NH thương mại lại đang trong tình trạng nan giải khi thực hiện các giải pháp tăng vốn. Việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tạo ra của năm 2015-2016 là hướng thuận lợi nhất cho các NH. Nhưng giải pháp này đang gặp vướng mắc khi Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu phải chuyển toàn bộ cổ tức của cổ đông nhà nước cho ngân sách nhà nước. Đại diện Trung tâm Nghiên cứu BIDV nhìn nhận: “Có vẻ như vai trò cổ đông của nhà nước tại các NH thương mại nhà nước đang chưa thực sự chuyên nghiệp và điều này có thể ảnh hưởng đến cổ đông hiện hữu khác cũng như việc thu hút cổ đông mới trong tương lai. Ở khía cạnh khác, dường như các NH thương mại nhà nước ngoài chức năng thực hiện chính sách tiền tệ vốn đã rất nặng nề, đang phải gánh thêm áp lực từ chính sách tài khóa. Tình trạng suy giảm năng lực tài chính của các NH thương mại nhà nước không được giải quyết sẽ gây ra những rủi ro đối với hệ thống NH và nền kinh tế”.
Việc năm 2015, BIDV và VietinBank không trả cổ tức bằng tiền mặt, tương đương với ngân sách nhà nước năm nay giảm thu khoảng 4.700 tỉ đồng từ nguồn cổ tức này, chiếm khoảng 0,45% tổng thu ngân sách. Nhưng, việc cho phép 2 NH này được giữ lại phần lợi nhuận để lại này để tăng vốn đem lại những lợi ích dài hạn hơn, như tạo điều kiện mở rộng tín dụng đặc biệt đáp ứng nhu cầu tín dụng lớn của các ngành kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, viễn thông... Do đó, BIDV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và NH Nhà nước chấp thuận cho các NH thương mại nhà nước được cân đối và quyết định việc sử dụng nguồn cổ tức các năm để tăng vốn cho năm sau bằng cách chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tùy thuộc vào năng lực tài chính và điều kiện của NH. Đồng thời, Chính phủ cho phép các NH thương mại nhà nước sử dụng nguồn thặng dư do giảm tỉ lệ sở hữu của nhà nước từ bán đầu tư tài chính, bán chiến lược để tạm ứng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.