Tính đến cuối tháng 5-2017, tín dụng đã tăng 6,53% so với cuối năm ngoái. Tại TP HCM, tín dụng 5 tháng đầu năm ước tăng tới 8,3% so với cuối năm ngoái. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ các năm gần đây nhưng theo Ngân hàng (NH) Nhà nước, khoảng 80% tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Đưa vốn vào lĩnh vực ưu tiên
Trong báo cáo tình hình hoạt động NH 5 tháng đầu năm, lãnh đạo NH Nhà nước cho biết tín dụng tăng cao đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh giải ngân vốn cho đầu tư công chưa được đẩy mạnh. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung chủ yếu vào lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Tại TP HCM, thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho thấy dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 146.800 tỉ đồng, trong đó cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ có tỉ trọng chủ yếu với trên 92.100 tỉ đồng, chiếm gần 62,8% tổng dư nợ các nhóm lĩnh vực ưu tiên.
Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như chương trình cho vay nông nghiệp, nông thôn ứng dụng công nghệ cao… tiếp tục được NH Nhà nước chỉ đạo hệ thống tích cực triển khai. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi gặp khó khăn thời gian qua, thống đốc cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét miễn giảm lãi vay cho hộ kinh doanh, DN ngành chăn nuôi và ưu đãi cho vay mới với những dự án khả thi.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được ưu tiên nguồn vốn Ảnh: ViFarm
Chương trình kết nối NH và DN cũng được đẩy mạnh, giúp DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, toàn ngành NH đã tổ chức 130 hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN. Tổng số tiền cam kết cho vay mới theo chương trình kết nối đạt 290.000 tỉ đồng, doanh số giải ngân hơn 190.000 tỉ đồng cho hơn 20.000 khách hàng DN. Tổng số tiền gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ cho DN hơn 16.000 tỉ đồng, ngoài ra, các NH thương mại còn hỗ trợ giảm lãi suất, giảm phí cho các DN với tổng dư nợ được hỗ trợ hơn 8.700 tỉ đồng.
Kiểm soát chất lượng tín dụng
Một số ý kiến lo ngại tín dụng tăng cao sẽ chảy vào bất động sản nhưng nhiều NH thương mại cho biết chỉ đẩy mạnh cho vay đối với cá nhân vay mua nhà, mua căn hộ để ở. Riêng cho vay dự án bất động sản được nhiều NH cẩn trọng và kiểm soát chất lượng từ chủ đầu tư, đánh giá hiệu quả dự án rồi mới rót vốn… Hiện 80% vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 20% và cho vay DN vừa và nhỏ chiếm khoảng 22%.
Dù tín dụng tăng cao nhưng NH Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng dồn vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Các NH thương mại được yêu cầu kiểm soát rủi ro tín dụng, bảo đảm cân đối nguồn vốn và huy động vốn, từ việc sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn hay kiểm soát những lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản, tín dụng trung và dài hạn, những dự án tín dụng BOT. Thực tế, NH Nhà nước không đưa ra quy định cấm hay quy định ngưỡng cho vay đối với các dự án BT, BOT mà yêu cầu tổ chức tín dụng cần cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn một cách hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống.
Để hỗ trợ các DN tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi, NH Nhà nước đã ban hành thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời, nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng, NH Nhà nước cũng có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài phải cân đối đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các lĩnh vực ưu tiên.