Từ giữa năm 2016, hãng hàng không giá rẻ AirAsia bắt đầu dịch vụ ở Vientiane và Luang Prabang - Lào, còn Vietjet (Việt Nam) và Lion Air (Thái Lan) đang cân nhắc mở đường bay tới các điểm đến "phụ" trong khối ASEAN để "né" các trung tâm như Bangkok (Thái Lan) hay TP HCM và Hà Nội. Có thể Vietjet sẽ có đường bay tới Luang Prabang vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2018.
Bớt các điểm thắt cổ chai
Phát biểu tại Diễn đàn Du lịch Mekong tổ chức ở Luang Prabang vào giữa tháng 6, ông Jameson Wong - Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty Du lịch ForwardKeys (Tây Ban Nha) - nhận xét chính các sân bay và các cơ quan phụ trách du lịch của các nước thuộc Tiểu vùng Mekong (GMS) đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các hãng hàng không bay tới các sân bay "phụ". "Họ có tiềm lực tài chính và có thể thuyết phục các hãng mở đường bay mới" - ông Wong nói.
Chiến lược này càng tăng tốc sau khi thỏa thuận Bầu trời mở ASEAN được thông qua. Chế độ thị thực "dễ thở" cùng với việc áp dụng thị thực điện tử thuận tiện đã tạo điều kiện cho các hãng hàng không mở rộng mạng lưới của mình ra khỏi các thủ đô của ASEAN. "Chính phủ nhiều nước đang mời gọi các hãng hàng không đến những địa điểm có tiềm năng thu hút du khách, bên cạnh đó còn hỗ trợ tài chính để các hãng triển khai dịch vụ" - ông Jameson Wong chỉ ra.
Sân bay quốc tế Luang Prabang ở Lào Ảnh: CAMCE.COM.CN
Trong khi đó, Chiến lược Khu vực du lịch GMS 2016-2025 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ đang được triển khai tại 6 nước, với ưu tiên rõ ràng là giảm bớt các nút thắt cổ chai trong hàng không và mở rộng các sân bay nhỏ để tiếp nhận nhiều chuyến bay thẳng hơn. Theo báo cáo Tóm tắt hàng không Mekong, từ khi chính sách Bầu trời mở của ASEAN được áp dụng, nhiều đường bay mới đã ra đời. Ví dụ, nhiều hãng hàng không kết nối TP HCM với Sihanoukville (Campuchia), Bangkok (Thái Lan) với Hải Phòng và Đà Nẵng, Phuket (Thái Lan) với Siem Reap (Campuchia)… Một số kế hoạch khác cũng đang được xúc tiến, theo trang Ttrweekly chuyên về du lịch ASEAN, bao gồm nối Bangkok với Phú Quốc, Bangkok với Bagan (Myanmar), Khon Kaen (Thái Lan) với các thành phố Trung Quốc, Phnom Penh (Campuchia) tới Yangon (Myanmar).
Sân bay địa phương trỗi dậy
Cũng theo báo cáo Tóm tắt hàng không Mekong, có nhiều sân bay nhỏ được kết nối với các điểm đến quốc tế hơn trong vòng 3 năm qua, có thể kể ra: U-Tapao, Pattaya, Surat Thani (Thái Lan); Nay Pyi Daw (Myanmar); Savannakhet (Lào); Sihanoukville (Campuchia)… Vào mùa hè năm nay, sân bay Đồng Hới tại Quảng Bình sẽ có đường bay quốc tế đầu tiên tới Chiang Mai (Thái Lan). Sự tăng cường kết nối hàng không này quay ngược trở lại làm lợi cho các địa phương nhỏ bé, lâu nay không mấy đình đám trên bản đồ du lịch.
Động lực tăng trưởng cho ngành hàng không của cả GMS và ASEAN nằm ở các hãng giá rẻ, như Nok Air, Lion Air (Thái Lan), Golden Myanmar Airways (Myanmar), Jetstar Pacific (Việt Nam)... Trong số đó, Thai AirAsia và Vietjet Air đang chiếm lĩnh thị trường GMS. Các dự báo về hàng không và sân bay đều đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam, với tăng trưởng ước tính là 15%-20% hằng năm cho tới năm 2020. Đặc biệt, các đường bay quốc tế nối tới Phú Quốc ngày càng nhiều, góp phần thúc đẩy du lịch cho đảo ngọc. Cuối năm nay, sẽ có đường bay từ Bangkok và Thượng Hải tới Phú Quốc...
Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống trong mạng lưới bay. Hiện chưa có kết nối giữa Lào với Myanmar. Còn tại Việt Nam, từ Hà Nội lẫn TP HCM đều chưa có đường bay tới các sân bay nhỏ của Thái Lan (như Chiang Mai, Phuket hay U-Tapao) và Myanmar (như Mandalay).