Giá trị tài sản thuộc 4 nhóm trên khoảng 1,04 triệu tỉ đồng (gần 50 tỉ USD).
Có 10 chỉ quản được 1
Theo Bộ Tài chính, số tài sản này chỉ bằng khoảng 1/10 tổng tài sản công. Trong thực tế còn nhiều tài sản khác cũng được xem là tài sản công cần đưa vào quản lý, gồm các công trình cấp nước sạch; hệ thống đường bộ; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mỏ quặng... Nếu tính đúng, tính đủ, tổng giá trị tài sản công của Việt Nam phải lên đến khoảng 10 triệu tỉ đồng.
Do luật hiện nay chưa bao quát hết số lượng tài sản công cần được phân định, quản lý, dẫn tới quy định còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Trên cơ sở hệ thống pháp luật mới và hệ thống tiêu chuẩn định mức, Chính phủ đã tổ chức sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là đối với ô tô công và nhà đất. Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), đến nay đã rà soát được khoảng 80% khối lượng xe công theo Quyết định 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
"Lâu nay, nguồn lực tài sản công của chúng ta đã ít nhưng lại không được tập trung vào ngân sách nhà nước mà một tỉ lệ lớn để lại chi tiêu, bù đắp chi phí hoạt động cho các khu vực hành chính công nên việc quản lý tài sản công còn nhiều hạn chế" - PGS-TS Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đánh giá. Theo ông Đinh Văn Nhã, việc gần đây Chính phủ thí điểm đổi mới một số phương pháp quản lý, sử dụng tài sản công hiện đại như thí điểm khoán ô tô công, mua sắm tập trung một số mặt hàng... đã đem lại những kết quả nhất định nhưng lại chưa được luật hóa để có thể nhân rộng hiệu quả.
Hệ thống đường bộ, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mỏ quặng… là tài sản công cần đưa vào quản lý Ảnh: Vũ Phương
Công khai, minh bạch
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, năm 2013, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu mới về khai thác nguồn lực từ tài sản công cho phát triển đất nước. Việc sửa luật hiện hành nhằm tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, đầy đủ, từ đó khắc phục hạn chế lớn nhất trong chính sách hiện hành là phân tán, thiếu thống nhất. Sau nhiều lần tiếp thu chỉnh sửa, dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp diễn ra tháng 5-2017 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Theo PGS-TS Đinh Văn Nhã, đáng lưu ý là dự thảo luật lần này đã đưa khái niệm về tài sản công bao quát, đầy đủ, là bước cụ thể hóa khái niệm tài sản công theo Hiến pháp 2013. Đồng thời chỉ ra 6 nguyên tắc cơ bản, bao quát nhất tất cả tài sản công khác hiện nay đang được điều chỉnh theo các luật chuyên ngành để từ nay về sau, mỗi khi điều chỉnh, sửa đổi đều phải căn cứ vào 6 nguyên tắc cơ bản của dự luật lần này. Như vậy sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và xử lý được tồn tại rất lớn là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản và có thể khai thác được nhiều nguồn lực tài chính trong quá trình quản lý và sử dụng tài sản công trong thời gian tới. Quan trọng là khi luật mới bảo đảm tích hợp tổng tài sản quốc gia một cách công khai, minh bạch để khai thác hiệu quả nhất. Trong từng nhóm tài sản đều có dữ liệu để cơ quan quản lý nắm được lĩnh vực đó có bao nhiêu tài sản, giá trị thế nào, sử dụng ra sao. Ví dụ đối với ô tô công, sau thời gian rà soát, sắp xếp và cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu tài sản nhà nước, cơ quan quản lý có thể biết chính xác cả nước có bao nhiêu xe công, đang ở đâu.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, luật hiện hành quản lý số lượng tài sản công rất hạn hẹp, số thu ngân sách nhà nước từ tài sản công cho thuê hằng năm mới đạt gần 100.000 tỉ đồng. Nếu dự thảo luật mới được thông qua và nghiêm túc triển khai, số ngân sách thu được từ khai thác tài sản công sẽ lớn hơn rất nhiều.