Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Văn phòng Chính phủ về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Văn bản này nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc Bộ Tài chính cho ý kiến theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Nên để mức lợi nhuận 11,5%
Đáng lưu ý là Bộ Tài chính không thống nhất với Bộ GTVT về lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong phương án tài chính để lập hồ sơ mời thầu.
Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất chấp thuận xác định mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong phương án tài chính để lập hồ sơ mời thầu là 14%/năm. Nhưng Bộ Tài chính cho rằng mức lợi nhuận này có thể đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài song lại tương đối cao so với mặt bằng lợi nhuận của các dự án giao thông đường bộ hiện nay. Mức 14% là cao gấp 2,15 lần so với mức lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện nay, mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các dự án BOT đường bộ đang là khoảng 11,5%. Trong khi đó, mức lãi suất vốn huy động và vốn vay đang có xu hướng giảm. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 11,5% như các dự án BOT Quốc lộ 1. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu mức lợi nhuận cao hơn mức trên, đề nghị Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.
312.435 tỉ đồng là tổng mức đầu tư cho dự án tuyến đường cao tốc Bắc - Nam Ảnh: VEC
Trước những kiến nghị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến vay vốn, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận vay vốn Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Bộ Tài chính nhấn mạnh chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm có giải pháp huy động nguồn vốn trong nước để có thêm nguồn lực đầu tư dự án. Tuy nhiên phải giám sát chặt chẽ việc cung cấp tín dụng, bảo đảm nhà đầu tư phải có trách nhiệm bảo đảm đủ vốn chủ sở hữu, không để tình trạng nhà đầu tư dùng toàn bộ tiền vay ngân hàng để thực hiện dự án BOT.
Kéo dài thời gian thu phí
Bộ Tài chính cũng đề nghị cân nhắc với đề xuất chỉ cho nhà đầu tư được chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp dự án sau khi công trình hoàn thành được nghiệm thu, đưa vào khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định vì điều này có thể sẽ dẫn đến khó khăn cho phía cơ quan nhà nước trong trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng được yêu cầu theo quy định của hợp đồng trong quá trình thực hiện dự án.
Tại văn bản này, Bộ Tài chính thống nhất với đề xuất cho phép Bộ GTVT đàm phán với các nhà đầu tư trên Quốc lộ 1 đối với những đoạn tuyến cao tốc được đầu tư hoàn thành trước so với dự kiến trong hợp đồng BOT đầu tư Quốc lộ 1 theo hướng kéo dài thời gian thu phí. Trường hợp không đạt được thống nhất báo cáo, đề xuất Thủ tướng phương án xử lý.
Về đề xuất của Bộ GTVT cho phép sử dụng giá trúng thầu sau khi lựa chọn nhà đầu tư làm cơ sở xác định chi phí vốn đầu tư và tính toán thời gian thu phí hoàn vốn, các cơ quan nhà nước và thanh tra, kiểm toán không xem xét đến giá trị dự toán sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Bộ Tài chính cho rằng đề xuất này bảo đảm phù hợp với nguyên tắc của Luật Đấu thầu.
Để bảo đảm chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đàm phán ký hợp đồng, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ GTVT bổ sung các nội dung đánh giá và các giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án.
Dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư 312.435 tỉ đồng, được chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2025) cần 243.312 tỉ đồng nhưng vốn của nhà nước chỉ có 55.000 tỉ đồng.
- Giai đoạn 2 (sau năm 2025) sẽ mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt.