Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (26.4.1957-26.4.2017). BIDV hiện là ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam với quy mô tổng tài sản trên 1 triệu tỉ đồng, có trên 1.000 chi nhánh, phòng giao dịch và hơn 25.000 cán bộ, nhân viên. Ngân hàng đóng góp ngân sách hằng năm 5.000 tỉ đồng.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, Thủ tướng cũng đặt ra 6 nhiệm vụ lớn cho ngân hàng BIDV:
Một là về chiến lược và tầm nhìn, BIDV cần phải nhìn xa trông rộng, có khát vọng vươn lên, có tầm nhìn dài hạn và xa hơn nữa, cả thị trường trong nước và trên phạm vi khu vực, quốc tế. Theo đó, Thủ tướng đề nghị BIDV phải có chiến lược kế hoạch trung hạn, hằng năm với nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu đạt được mục tiêu này mà trước mắt nằm trong tốp 25 ngân hàng thương mại lớn nhất ASEAN.
Hai là, nâng cao năng lực tài chính. So với các ngân hàng thương mại lớn trong khu vực thì mức vốn điều lệ 1,5 tỉ USD là khá thấp. Đây là một hạn chế đối với yêu cầu mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh, bảo đảm an toàn theo chuẩn mực quản trị quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực.
Ba là, tăng cường ứng dụng CNTT, tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng đề nghị BIDV phải tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ cốt lõi để tăng cường năng lực quản trị, xây dựng nền tảng phát triển, phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Thiết lập các kênh kinh doanh và dịch vụ mới. Đồng thời, phải chú trọng công tác bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.
Bốn là, nâng cao năng lực quản trị điều hành dựa trên chuẩn mực quốc tế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, tạo điều kiện cho tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Năm là, bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh thuần túy, BIDV cần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Đảng, Nhà nước đề ra. Cần bám sát các chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm cung ứng đủ nguồn vốn cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các công trình trọng điểm quốc gia, các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời tiếp tục tham gia làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả đầu tư tại nước ngoài.
Sáu là, với vai trò, trách nhiệm của mình, BIDV cần tiếp tục chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém. Trong điều kiện hiện nay, các ngân hàng thương mại Nhà nước phải là một trong những đối tác chủ lực để xử lý hiệu quả vấn đề này.