Những điều tốt đẹp trong cuộc sống không đến một cách dễ dàng, và thất bại trong việc nhìn nhận bản thân một cách kỹ lưỡng chính là con đường biến bạn trở thành một kẻ tầm thường. Như Socrates đã từng nói: "Một cuộc sống không có sự thử thách thì chẳng đáng để sống" (The unexamined life isn’t worth living).
Cách nhìn nhận của Socrates cũng được áp dụng vào việc kinh doanh. Khi Eric Schmidt còn là CEO của Google, ông đã nói: "Chúng tôi vận hành công ty dựa trên những câu hỏi, không phải bằng những câu trả lời".
Có rất nhiều chân lý thiết yếu trong cuộc sống này. Chúng ta cần được nhắc nhở nhiều lần để có thể luôn tập trung vào chúng. Hãy luôn ghi nhớ những chân lý này vì chúng chắc chắn sẽ cho bạn nhiều hơn những gì bạn cần.
1. Thất bại là mẹ thành công
Bạn sẽ chẳng bao giờ thành công nếu không học được cách đối mặt với thất bại. Sai lầm chính là thứ dẫn lối bạn đến với thành công, bằng cách chỉ cho bạn biết được đâu là con đường sai.
Các bước đột phá lớn nhất thường xảy ra khi bạn cảm thấy thất vọng và bế tắc nhất. Chính sự bế tắc ấy buộc bạn phải suy nghĩ khác đi, nhìn nhận vấn đề bao quát hơn và tìm ra một giải pháp mà bạn có lẽ chưa bao giờ nghĩ tới.
Để thành công, bạn cần có sự kiên nhẫn và khả năng duy trì thái độ tích cực, kể cả khi bạn đang phải nhẫn nhịn cho những thứ mà bạn tin tưởng.
2. Bận rộn không có nghĩa là hiệu quả
Tất cả mọi người xung quanh bạn đều có vẻ rất bận rộn - dự hết phiên họp này đến phiên họp khác, gửi đi hàng tá email mỗi ngày… Nhưng bao nhiêu người trong số họ đã thực sự làm việc có hiệu quả và đã gặt hái được những thành tựu nhất định?
Chúng ta đều có cùng một quỹ thời gian như nhau. Hãy sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Sau cùng thì bạn chính là kết quả của những gì bạn đã bỏ ra. Hãy đảm bảo rằng những nỗ lực của bạn chỉ dành cho những công việc thực sự mang lại kết quả.
3. Bạn sẽ trở nên giống với những người ở xung quanh
Hãy cố gắng ở gần những người có thể truyền cảm hứng cho bạn, những người khiến bạn trở nên tốt đẹp hơn. Bạn chắc chắn nên làm điều đó. Thế còn những người luôn làm bạn cảm thấy tồi tệ thì sao?
Bất kỳ ai khiến bạn cảm thấy bản thân vô dụng, căng thẳng; hay không tạo cho bạn bất kỳ cảm hứng nào, đều đang lãng phí thời gian của bạn và rất có thể họ đang cố gắng biến bạn trở thành người như họ. Hãy gạt họ sang một bên và sống cuộc sống của bạn.
4. Bạn đang sống cuộc sống do chính mình tạo nên
Bạn không phải nạn nhân của hoàn cảnh. Không ai có thể ép buộc bạn quyết định hay hành động trái với các giá trị và nguyện vọng của bạn.
Hoàn cảnh mà bạn đang sống hôm nay chính là do bạn tạo ra. Tương tự, cả tương lai phía trước đều tùy thuộc vào chính bạn. Nếu bạn cảm thấy bế tắc, đó có lẽ bởi vì bạn chưa dám chấp nhận những rủi ro để có thể gặt hái những mục tiêu và sống với ước mơ của chính mình.
Hãy nhớ rằng việc bắt đầu từ bậc cuối cùng của chiếc thang bạn muốn leo lên luôn luôn tốt hơn việc nằm ở bậc cao nhất của cái mà bạn không hề hứng thú
5. Sợ hãi là nguyên nhân số một của sự hối tiếc
Khi mọi việc đã xong xuôi, bạn sẽ than thở về những cơ hội mình đã bỏ lỡ nhiều hơn là về những thất bại mà bạn từng trải qua. Vì vậy, đừng bao giờ sợ những rủi ro.
Mọi người thường đặt vấn đề rằng "Điều tệ hại nhất có thể đến với bạn là gì? Liệu nó có giết chết bạn không?". Tuy nhiên, cái chết chưa hẳn đã là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với bạn.
Điều tồi tệ nhất có thể xảy đến với bạn chính là cho phép bản thân tồn tại mà không thực sự sống.
6. Bạn không cần một lời xin lỗi để bắt đầu tha thứ
Cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn biết bỏ qua những hận thù và tha thứ cho những người thậm chí chưa bao giờ nói lời xin lỗi với bạn. Hận thù sẽ khiến cho những sự kiện tiêu cực trong quá khứ phá hỏng hạnh phúc hiện tại. Sự căm ghét và giận dữ chính là những loài ký sinh trùng gặm nhấm niềm vui trong cuộc sống hằng ngày.
Những cảm xúc tiêu cực chính là nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng trong cơ thể của bạn, và việc luôn cảm thấy căng thẳng sẽ dần phá hủy sức khỏe bạn một cách nghiêm trọng. Nghiên cứu của Trường đại học Emory chỉ ra rằng, căng thẳng có thể dẫn đến các bệnh về tim mạch và chứng cao huyết áp.
Khi bạn tha thứ cho một ai đó, điều ấy không có nghĩa là bạn đang chấp nhận hành động của họ, nó chỉ đơn giản là bạn đang giải phóng chính mình khỏi việc trở thành nạn nhân của họ.
7. Sống trong từng khoảnh khắc
Bạn sẽ không bao giờ có thể phát huy mọi tiềm năng của bản thân nếu bạn không biết cách tận hưởng cuộc sống hiện tại.
Không có bất kỳ tội lỗi nào có thể thay đổi quá khứ và cũng không có sự lo lắng nào có thể thay đổi tương lai. Hạnh phúc là điều bất khả thi nếu bạn vẫn tiếp tục không biết cách đối mặt với thực tế (dù chúng tốt hay xấu) ngay lúc này.
Để giúp bản thân thực sự sống từng khoảnh khắc, bạn cần phải thực hiện hai điều sau:
Thứ nhất, chấp nhận quá khứ. Nếu không học cách chung sống hòa bình với quá khứ, nó sẽ không bao giờ rời bỏ bạn, và rồi chính quá khứ đó sẽ xây nên tương lai của bạn. Thứ hai, chấp nhận rằng tương lai chẳng có gì là đảm bảo. Lo lắng không có chỗ trong hiện tại. Như Mark Twain đã từng nói: "Lo lắng cũng giống như việc bạn trả một món nợ mà mình không hề vay".
8. Giá trị của bản thân đến từ bên trong
Khi cảm giác hài lòng và thỏa mãn đến từ việc so sánh bản thân với người khác, bạn đã không còn là chủ nhân của chính mình. Khi đã cảm thấy hài lòng về những điều đã làm, đừng cho phép ý kiến hay thành tựu của bất kỳ ai "tước đoạt" điều ấy khỏi bạn.
Mặc dù không thể buộc bản thân ngừng bận tâm về những gì người khác nghĩ về mình, bạn cũng không nên tự so sánh mình với người khác khi mà bạn luôn có thể coi những ý kiến đó như tham khảo. Bằng cách đó, bất kể người khác có nghĩ gì hay làm gì thì giá trị của bạn vẫn từ chính bên trong con người bạn. Dù rằng mọi người có nghĩ thế nào về bạn thì chắc chắn rằng bạn không bao giờ tốt hoặc xấu như những lời họ nói.
9. Cuộc sống rất ngắn ngủi
Không ai trong chúng ta có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Tuy nhiên, khi bắt gặp một ai đó chết bất đắc kỳ tử, chúng ta chợt nhìn lại cuộc sống của chính mình: Điều gì mới thực sự quan trọng? Chúng ta đã sử dụng thời gian của mình như thế nào và đã đối xử với mọi người xung quanh ra sao?
Chính sự mất mát là lời nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng cuộc sống này rất ngắn ngủi.
Hãy luôn thầm nhủ với bản thân vào mỗi sáng thức giấc rằng mỗi ngày mới là một món quà, hãy biết tận dụng những món quà mà chúng ta đã được ban cho. Khoảnh khắc mà bạn hành động như thể cuộc sống này là một món quà cũng chính là thời điểm điều ấy trở thành hiện thực.
Và sau cùng, một ngày tuyệt vời nên bắt đầu bằng một trí óc minh mẫn.
10. Thay đổi là điều tất yếu
Chỉ khi chấp nhận sự thay đổi như là một điều tất yếu, bạn mới có thể nhìn thấy điều tốt đẹp ẩn sâu bên trong nó. Bạn cần một lối suy nghĩ thoáng hơn và một vòng tay dang rộng để nhận thấy và tận dụng hết những cơ hội đến từ sự thay đổi.
Bạn sẽ thất bại khi cứ mãi chạy theo lối mòn với tư duy chỉ cần phớt lờ sự thay đổi thì nó sẽ thực sự biến mất.
Xét cho cùng thì định nghĩa của từ điên rồ chính là việc cứ lặp đi lặp lại một công việc với hy vọng rằng nó sẽ cho ra kết quả khác.
Cuộc sống sẽ chẳng dừng lại vì bất kỳ ai. Khi mọi việc diễn ra suôn sẻ, hãy trân trọng và tận hưởng chúng cho đến khi chúng lại thay đổi. Nếu bạn vẫn cứ tiếp tục tìm kiếm và đòi hỏi những thứ tốt hơn và nghĩ rằng điều đó sẽ khiến bạn hạnh phúc thì bạn sẽ chẳng bao giờ có đủ thời gian để tận hưởng những phút giây tuyệt vời trước khi chúng biến mất. Tuy nhiên, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể học hỏi và lớn khôn khi mãi quẩn quanh trong sự thoải mái.