1. Bill Gates
Tài sản: 85,2 tỷ USD
Tuổi: 61
Quốc tịch: Mỹ
Lĩnh vực: Công nghệ
Nguồn tài sản: Tự thân; Microsoft
Ở tuổi 20, Bill Gates đã đồng sáng lập Microsoft cùng người bạn thủa nhỏ - Paul Allen. Vài tháng sau sinh nhật tuổi 31, Gates làm IPO cho công ty và đưa mình vào danh sách tỷ phú. Ông giữ chức CEO đại gia phần mềm này đến năm 2000, sau đó làm Chủ tịch kiêm cổ đông lớn nhất đến năm 2014. Dù vẫn còn trong hội đồng quản trị công ty, Gates không còn tham gia vào các hoạt động thường ngày của Microsoft nữa.
Gates không chỉ là người giàu nhất thế giới, mà còn là người hào phóng nhất. Năm 1999, hai vợ chồng ông thành lập quỹ Bill & Melinda Gates Foundation. Mục tiêu của quỹ này là giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo khó, hạn chế HIV, sốt rét và nhiều dịch bệnh khác. Họ cũng muốn mang dịch vụ ngân hàng di động đến với 2 tỷ người chưa có tài khoản ngân hàng.
2. Warren Buffett
Tài sản: 77,2 tỷ USD
Tuổi: 86
Quốc tịch: Mỹ
Lĩnh vực: Đầu tư đa ngành
Nguồn tài sản: Tự thân; Berkshire Hathaway
Nhà thông thái vùng Omaha tham gia đầu tư từ rất sớm. Năm 11 tuổi, ông mua cổ phiếu đầu tiên với giá 38 USD, sau đó bán lại và kiếm lời 5 USD. Ông từng bị Harvard từ chối, rồi vào Trường Kinh doanh Columbia và học hỏi từ nhà đầu tư biểu tượng - Benjamin Graham.
Ban đầu, Buffett làm nhà phân tích chứng khoán, sau đó mới lập công ty đầu tư riêng - Berkshire Hathaway. Công ty của ông đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, như công nghệ, hàng không, thực phẩm, đồ uống. Năm ngoái, tài sản của tỷ phú tăng thêm 13,1 tỷ USD.
Buffett cũng là người nổi tiếng hào phóng khi cho đi hơn 25 tỷ USD. Ông cũng là người bạn lâu năm của Bill Gates và còn cùng nhau sáng lập Cam kết Cho đi - thuyết phục người giàu thế giới hiến tặng ít nhất một nửa tài sản sau khi qua đời.
3. Jeff Bezos
Tài sản: 73,1 tỷ USD
Tuổi: 53
Quốc tịch: Mỹ
Lĩnh vực: Công nghệ
Nguồn tài sản: Tự thân; Amazon.com
Jeff Bezos kiếm được khối tài sản khổng lồ nhờ đưa thương mại điện tử đến với thế giới. Sau thời gian làm việc trong ngành tài chính, Bezos thành lập Amazon.com năm 1994. Ban đầu, họ chỉ bán sách online. 3 năm sau, hãng làm IPO và dần mở rộng kinh doanh mọi mặt hàng, từ đồ nội thất đến thực phẩm, hàng điện tử. Năm ngoái, hãng đạt doanh thu 136 tỷ USD. Tài sản của Bezos cũng tăng 21,9 tỷ USD năm 2016.
4. Amancio Ortega
Tài sản: 68,5 tỷ USD
Tuổi: 80
Quốc tịch: Tây Ban Nha
Lĩnh vực: Bán lẻ
Nguồn tài sản: Tự thân; Inditex
Amancio Ortega là người giàu thứ 4 thế giới nhờ cổ phần trong hãng thời trang Inditex. Ortega là con trai một công nhân đường sắt tại La Coruña (Tây Ban Nha). Trước khi kinh doanh riêng, ông từng làm việc trong một cửa hàng tại thị trấn. Từ chưa đầy 100 USD vốn ban đầu, ông và vợ - Rosalia Mera đã làm ra các loại đồ lót, đồ ngủ để bán.
Năm 1975, cả hai quyết định mở một cửa hàng mang tên Zara. 8 năm sau, Ortega mở rộng ra 9 cửa hàng trên khắp Tây Ban Nha. Năm 2001, ông làm IPO cho công ty và bắt đầu có mặt trong danh sách tỷ phú của Forbes với 6,6 tỷ USD. Vài năm qua, Ortega từng nhiều lần chiếm ngôi giàu nhất thế giới của Bill Gates.
Ông cũng là tỷ phú có lối sống giản dị, thường xuyên chỉ mặc áo phông trắng, áo khoác xanh và ăn trưa với nhân viên trong nhà ăn công ty.
5. Mark Zuckerberg
Tài sản: 58,5 tỷ USD
Tuổi: 32
Quốc tịch: Mỹ
Lĩnh vực: Công nghệ
Nguồn tài sản: Tự thân; Facebook
Năm 2004, cậu sinh viên 19 tuổi tại Harvard - Mark Zuckerberg đã lập ra TheFacebook.com - tiền thân của mạng xã hội lớn nhất thế giới- Facebook ngày nay. Sau đó, anh bỏ học để tập trung cho công ty. Ngày nay, Facebook có hơn một tỷ người dùng mỗi ngày, với vốn hóa gần 400 tỷ USD. Tài sản của Zuckerberg cũng tăng 11,1 tỷ USD năm ngoái.
Tháng 12/2015, Zuckerberg và vợ - Priscilla Chan tuyên bố cho đi 99% tài sản thông qua quỹ Chan Zuckerberg Initiative. Họ cũng đóng góp 25 triệu USD trong cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola và 100 triệu USD cổ phiếu Facebook để cải thiện hệ thống trường công ở New Jersey.
6. Carlos Slim Helú
Tài sản: 50,7 tỷ USD
Tuổi: 77
Quốc tịch: Mexico
Lĩnh vực: Viễn thông
Nguồn tài sản: Tự thân; Grupo Carso
Người giàu nhất Mexico sở hữu hơn 200 công ty tại quê nhà, thông qua đế chế đa ngành - Grupo Carso. Ông thừa kế công ty bán lẻ và bất động sản từ cha mình sau khi người cha qua đời. Slim đã biến nó thành một tập đoàn đa ngành trong nhiều thập kỷ qua và hiện là công ty thống trị kinh tế Mexico.
Dù vậy, Slim vẫn có tham vọng phát triển đế chế của mình, đặc biệt là tại quê nhà. Năm 2015, ông đã đầu tư 4 tỷ USD tại Mexico.
7. Charles Koch
Tài sản: 47,9 tỷ USD
Tuổi: 81
Quốc tịch: Mỹ
Lĩnh vực: Đầu tư đa ngành
Nguồn tài sản: Thừa kế//Tự thân; Koch Industries
Charles Koch là Chủ tịch kiêm CEO Koch Industries - công ty tư nhân lớn thứ hai tại Mỹ. Họ hiện có khoảng 100.000 nhân viên với doanh thu năm ngoái đạt 100 tỷ USD.
8. David Koch
Tài sản: 47,9 tỷ USD
Tuổi: 76
Quốc tịch: Mỹ
Lĩnh vực: Đầu tư đa ngành
Nguồn tài sản: Thừa kế/Tự thân; Koch Industries
Cùng người anh - Charles, David Koch đồng sở hữu Koch Industries, công ty tư nhân lớn thứ hai tại Mỹ. Tài sản cá nhân của David đã giảm 1,2 tỷ USD năm ngoái.
David từng sống sót sau một tai nạn máy bay năm 1991 và vượt qua bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Từ đó, ông trở thành một trong những nhà hảo tâm lớn nhất thế giới, cam kết đóng góp hơn 1,2 tỷ USD cho các bệnh viện, trường học, nghiên cứu về ung thư, thông qua quỹ David H. Koch Charitable Foundation.
9. Larry Ellison
Tài sản: 45,3 tỷ USD
Tuổi: 72
Quốc tịch: Mỹ
Lĩnh vực: Công nghệ
Nguồn tài sản: Tự thân; Oracle
Sau khi xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), năm 1977, Ellison thành lập hãng phần mềm Oracle và phát triển với tốc độ chóng mặt. Năm ngoái, doanh thu của hãng đạt 37 tỷ USD.
Tháng 9/2014, ông gây chấn động giới công nghệ khi từ chức CEO. Hiện ông là Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ của Oracle.
Năm ngoái, tài sản của Ellison tăng thêm 5,2 tỷ USD. Ông cũng là nhà từ thiện rất hào phóng, tham gia vào Cam kết Cho đi và đóng góp cho các quỹ bảo vệ động vật hoang dã.
10. Ingvar Kamprad
Tài sản: 43 tỷ USD
Tuổi: 90
Quốc tịch: Thụy Điển
Lĩnh vực: Bán lẻ
Nguồn tài sản: Tự thân; IKEA
Ở tuổi 17, Ingvar Kamprad đã sáng lập IKEA - hiện là hãng bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới với doanh thu gần 34,2 tỷ euro (36 tỷ USD). Ngay từ đầu, Kamprad đã không muốn niêm yết IKEA và bảo vệ công ty bằng một cấu trúc doanh nghiệp phức tạp. Hiện tại, dù không còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động hằng ngày của công ty, ông vẫn tham gia các cuộc họp với tư cách cố vấn cấp cao.
Năm ngoái, tài sản của ông tăng thêm 2,6 tỷ USD. Dù là tỷ phú, Kamprad nổi tiếng với lối sống cực kỳ tiết kiệm. Ông mua vé bay hạng phổ thông, ở trong khách sạn giá rẻ và lái một chiếc xe suốt hơn 20 năm. Tuy nhiên, Kamprad cũng khá hào phóng trong việc làm từ thiện và đã cho đi khoảng 300 triệu USD.