Tuy nhiên, hồ bơi thường là nơi công cộng, có rất nhiều người thuộc mọi lứa tuổi tham gia bơi lội. Mặc dù các hồ bơi được khử trùng bằng hóa chất chlorine nhưng nhìn chung vẫn ẩn chứa rất nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.
Nguy cơ nhiễm hóa chất
Khi bơi, da của người bơi có thể bị kích ứng do thuốc sát trùng chlorine trong nước. Khi chlorine kết hợp với mồ hôi và các chất tiết của người bơi trong nước sẽ sinh ra chất phức hợp có mùi khó chịu, gây kích ứng da, gây ngứa mắt, đỏ mắt… Khi chất này bay hơi lên khỏi mặt nước sẽ gây kích ứng hô hấp: ho, hắt hơi, thở khò khè, có thể kích thích cơn hen phế quản…
Nguy cơ nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng
Nhiều hồ bơi công cộng có tần suất hoạt động cao, mở cửa tất cả các ngày. Nếu việc quản lý chất lượng nước hồ bơi chưa nghiêm ngặt; tần suất đo nồng độ chlorin và pH của nước không tuân thủ qui định có thể khiến mức độ sát trùng của chlorin kém hiệu quả, khiến cho các loại vi khuẩn, ký sinh trùng tồn tại trong nước một thời gian khá lâu, gây nhiễm bệnh cho người đi bơi. Các mầm bệnh có thể gặp là:
- Vi khuẩn đường ruột E. coli
Vi khuẩn này là tác nhân thường gặp nhất trong các hồ bơi. Vi khuẩn do những người đang bị tiêu chảy do E.coli thải ra nước hồ bơi. Khi hồ bơi không được kiểm tra chất lượng nước, nồng độ chorine định kỳ nghiêm ngặt, chúng có thể sống vài giờ trong nước hồ bơi. Chủng thường gặp là E. coli O157:H7 gây tiêu chảy cấp và nhiễm độc.
- Ký sinh trùng Cryptosporidium sp
Người bị tiêu chảy do nhiễm đơn bào ký sinh Cryptosporidium sp khi đi bơi có thể thải mầm bệnh vào nước hồ bơi (do mầm bệnh dính vào quần lót) mà hóa chất chlorine trong nước khó diệt được. Ký sinh trùng này có thể sống vài ngày trong môi trường nước có pha chlorine. Khi người đi bơi uống phải nước hồ bơi vào bụng, ký sinh trùng sẽ đi vào ruột người và gây bệnh tiêu chảy kéo dài.
- Ký sinh trùng Giardia lamblia
Mầm bệnh tiêu chảy Giardia lamblia là trùng roi, sống ký sinh ở ruột non và đường mật của bệnh nhân. Chúng dính vào quần lót của người bệnh tiêu chảy, khi bệnh nhân đi bơi, ký sinh trùng có thể nhiễm vào nước hồ bơi. Chúng tồn tại được khá lâu trong nước hồ bơi hơn 1 ngày. Khi người đi bơi nuốt phải mầm bệnh này từ nước hồ bơi, ký sinh trùng vào ruột và gây bệnh tiêu chảy kèm phân sống, kéo dài.
- Các mầm bệnh khác từ thú cưng như chó, mèo…:
Nhiều người còn dắt theo thú cưng đi bơi, chúng sẽ thải ra ra hồ bơi nhiều vi khuẩn đường ruột, ký sinh trùng đường ruột, ve, bọ chét… gây ô nhiễm nước hồ bơi và lây cho người đi bơi.
Như vậy, khi bơi trong hồ bơi đông người, khi nuốt nước vào miệng thì nguy cơ nuốt phải các mầm bệnh vào đường tiêu hóa rất cao.
Nguy cơ viêm ống tai ngoài và tai giữa
Khi đi bơi, người bơi rất dễ bị viêm ống tai ngoài và tai giữa do bị nước vào tai mà không chú ý vệ sinh kỹ sau khi bơi.
Để phòng bệnh hồ bơi, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp sau:
- Tắm xà phòng trước khi bơi để tránh mang mầm bệnh xuống hồ bơi và tắm xà phòng sau khi bơi để tránh nhiễm mầm bệnh ở da sau khi bơi.
- Người có bệnh tiêu chảy, bệnh ghẻ ngứa… không nên đi bơi để tránh lây lan cho người khác.
- Bịt tai bằng nút cao su khi bơi để tránh viêm tai ngoài và tai giữa.
- Không uống nước hồ bơi khi đang bơi để tránh nuốt mầm bệnh vào miệng.
- Không được tiểu tiện khi đang bơi.
- Không được mang theo thú cưng xuống hồ bơi.
Do đó, nên chọn hồ bơi ít người, đảm bảo những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh từ hồ bơi, nhất là phải tắm xà phòng kỹ trước và sau khi bơi để tránh lây mầm bệnh xuống hồ bơi và nhiễm bệnh từ hồ bơi.