Chữa được nhiều bệnh
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, y học, trong bột quế có các dưỡng chất vô cùng quý giá có khả năng hỗ trợ điều trị một số bệnh như sau:
Chống ung thư: Nghiên cứu được công bố bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy quế có tác dụng khống chế sự sinh sôi của các tế bào ung thư bạch cầu. Chất xơ và canxi trong quế giúp loại bỏ các dịch mật thừa, ngăn ngừa những ảnh hưởng không tốt với tế bào ruột, từ đó giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Điều trị các vấn đề về hô hấp: Những người bị cảm lạnh, ho dai dẳng, viêm xoang nên ăn hỗn hợp 1 thìa mật ong trộn với 1/4 thìa quế hằng ngày trong 3 ngày liên tục. Quế cũng giúp điều trị cảm cúm, đau họng và chứng sung huyết.
Giảm các bệnh truyền nhiễm: Với khả năng chống khuẩn, chống nấm, chống virus, chống các vật ký sinh và là chất khử trùng nên quế rất hữu hiệu trong việc chống viêm nhiễm cả bên trong và ngoài. Quế được xem là rất hiệu quả trong việc chống lại bệnh nấm âm đạo, nấm vòm họng, ngừa bệnh viêm nhiễm vùng âm đạo, nhiễm trùng vòm họng, loét dạ dày và chấy trên đầu.
Giảm đau do chứng viêm khớp: Trong quế chứa nhiều hợp chất chống viêm có tác dụng giảm đau và viêm do bệnh thấp khớp gây ra. Nghiên cứu của Trường ĐH Copenhagen (Đan Mạch) cho thấy dùng nửa thìa bột quế và 1 thìa mật ong mỗi sáng sẽ giúp giảm đau khớp đáng kể và có thể đi lại không đau sau 1 tháng sử dụng.
Giảm đau đầu và chứng đau nửa đầu: Đau đầu do đi ngoài trời gió lạnh nhiều sẽ được điều trị bằng việc đắp hỗn hợp mỏng bột quế trộn với nước lên vùng trán và thái dương sẽ cho hiệu quả nhanh chóng.
Tăng cường lưu thông máu: Quế giúp làm sạch thành mạch máu và tăng cường lưu thông máu, bảo đảm cung cấp đủ ôxy cho các tế bào trong cơ thể, tăng cường trao đổi chất, giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Giảm lượng đường máu và trị bệnh tiểu đường type 2: Dùng nửa thìa quế mỗi ngày giúp cải thiện mức độ nhạy cảm insulin và điều chỉnh lượng glucose trong máu. Khi mức insulin được cải thiện, cân nặng và bệnh tim mạch sẽ được kiểm soát.
Bệnh tim mạch: Quế giúp củng cố sức khỏe hệ tim mạch vì thế tránh cho cơ thể khỏi các rắc rối liên quan tới tim mạch. Cho một lượng quế nhỏ khi chế biến đồ ăn rất tốt cho những người mắc bệnh động mạch vành và bệnh cao huyết áp.
Không phải ai cũng dùng được
Lương y Võ Hà cho biết mật ong có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí, nhuận táo, hoạt trường, giải độc; có thể dùng làm thuốc bổ toàn thân và chữa các chứng tì vị hư nhược, táo bón, ho, đau bụng. Dùng ngoài chữa lở miệng, phỏng và một số trường hợp nhiễm trùng, nấm.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy mật ong có hàm lượng của đường fructose (khoảng 38,5%) và glucose (khoảng 31%), một số đường maltose, sucrose, nhiều vitamin, chất khoáng, nhiều hợp chất chống ôxy hóa và các enzym hữu ích như chrysin, pinobanksin, catalase, pinocembrin...
Trong khi quế có vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, tác động vào 2 kinh can và thận. Quế có thể sử dụng chữa các chứng chân tay lạnh, tả lỵ hoặc đau bụng do lạnh, bế kinh, tiêu hóa kém, đau khớp.
Mật ong và quế dù là 2 vị thuốc quý trong y học cổ truyền, dùng phối hợp có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh nhưng chúng cũng có nhiều chống chỉ định: mật ong nhuận trường nên không dùng cho người có thai; vì có chỉ số đường cao nên không thích hợp với người bệnh đái tháo đường. Quế đại nhiệt nên không dùng được cho người âm hư dương thịnh, người cao huyết áp, người đang bị viêm nhiễm cấp tính.
Do đó, người bệnh cần hết sức cảnh giác khi áp dụng bài thuốc này. Không nên vì những lời phóng đại thuốc quý, thần kỳ, trị bá bệnh… mà tùy tiện sử dụng. Lưu ý: việc phối hợp bài thuốc này với các loại thuốc đang dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị. Quế đã tán hoặc xay nhuyễn nên giữ trong lọ đậy kín và chỉ dùng trong vòng vài tuần để tránh giảm chất lượng. Không nên chứa mật ong trong đồ đựng bằng kim loại để tránh mật ong biến chất do tác dụng với kim loại.