Quế là một loại gia vị được thu hoạch từ nhánh cây quế, loài cây thường được trồng nhiều ở vùng Ca-ri-bê, Nam Mỹ và Đông Nam Á. Có 2 loại quế chính là quế Ceylon (quế Tích Lan, với tên khoa học là Cinnamomum verum) và quế Cassia (còn gọi là quế Trung Quốc, với tên khoa học là Cinnamomum aromaticum). Quế Cassia thường được sử dụng khá rộng rãi do rẻ tiền hơn. Tại Mỹ và châu Âu, quế là gia vị được sử dụng phổ biến thứ nhì, chỉ sau hồ tiêu.
Vị thuốc lâu đời
Người Ai Cập cổ đại đã biết dùng quế từ năm 2000 trước Công nguyên. Quế cũng là một vị thuốc trong y học cổ truyền Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời được các thầy thuốc thời Trung cổ phương Tây dùng để trị ho, viêm khớp, đau họng. Những nghiên cứu hiện đại cho thấy quế có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ, quế có thể được dùng để giúp điều trị chứng co thắt cơ, nôn mửa, nhiễm trùng, cảm, ăn không ngon và rối loạn cương dương. Tổ chức Diabetes UK ở Anh ghi nhận quế có thể giúp hạ lượng đường trong máu của bệnh nhân đái tháo đường, cả type 1 và type 2. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Diabetics Care nêu khả năng quế có thể giúp cải thiện mức độ glucose và lipid ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Nhóm tác giả nghiên cứu này kết luận rằng dùng 6 g quế mỗi ngày có thể giúp hạ đáng kể lượng glucose, triglyceride, cholesterol xấu và tổng cholesterol ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 và vì vậy có thể giúp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch. Tương tự như vậy, một nghiên cứu được công bố trên tờ European Journal of Clinical Investigation nêu khả năng vài chất chiết xuất từ quế có thể giúp làm hạ chỉ số đường huyết lúc đói của bệnh nhân.
Cần lưu ý khả năng gây tổn hại gan của thành phần coumarin trong quế Ảnh: LIVESTRONG
Theo Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH), thành phần hóa học cinnamaldehyde trong quế Cassia có thể giúp chống lại tình trạng nhiễm khuẩn và nhiễm nấm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Israel tại ĐH Tel Aviv, một chất chiết xuất từ quế được đặt tên là CEppt có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh Alzheimer. Các nhà nghiên cứu dược thảo Ấn Độ nêu khả năng quế có thể giúp chống lại sự phát triển của nhóm HIV1 - một trong 2 dạng virus gây bệnh AIDS. Nhóm chuyên gia thần kinh học Mỹ thuộc Trung tâm Y tế ĐH Rush phát hiện quế có thể giúp ngăn chặn tiến trình hủy hoại của bệnh đa xơ cứng. Họ cho rằng quế có thể giúp giảm bớt phần nào nhu cầu dùng thuốc đắt tiền và gây khó chịu cho bệnh nhân. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại ĐH Bang Pennsylvania cho thấy chế độ ăn nhiều quế có thể giúp hạn chế tác dụng tiêu cực cho cơ thể của bữa ăn nhiều chất béo. Một công trình được công bố trên tạp chí ACS Nano cho thấy các thành phần kháng khuẩn từ bạc hà và quế được đóng gói trong viên nhỏ có thể giúp vết thương mau lành. Một số người dùng quế và mật ong để giảm cân một cách tương đối an toàn và hiệu quả.
Thận trọng và dùng vừa phải
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, 10 g quế thô có chứa 24,7 kcal năng lượng; 0,12 g chất béo; 9,06 g carbohydrate; 0,4 g protein. Nhiều người nhạy cảm với quế có thể gặp nguy cơ tổn hại gan sau khi dùng thức ăn hoặc thực phẩm bổ sung chứa quế. Đây có thể là do quế chứa thành phần hương liệu coumarin. Coumarin được dùng làm thuốc chống đông máu, điều trị hen suyễn, có tác dụng giãn mạch vành và mạch ngoại vi, chống co thắt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, coumarin cũng có thể khiến bệnh nhân ăn mất ngon, buồn nôn, tiêu chảy, mờ mắt, chảy máu bất thường và đặc biệt là khả năng tổn hại gan.
Nghiên cứu tại Na Uy được công bố trên tạp chí Food and Chemical Toxicology hồi năm 2012 dẫn tới đề xuất lượng dung nạp hằng ngày coumarin một cách hợp lý là 0,07 mg/ngày cho 1 kg thể trọng. Một tài liệu của Viện Đánh giá nguy cơ Liên bang Đức cho biết 1 kg bột quế Cassia chứa từ 2,1 - 4,4 g coumarin. Quế Cassia chứa nhiều coumarin hơn quế Ceylon. Một nghiên cứu tại Đức được công bố hồi năm 2012 phát hiện bột quế Cassia chứa coumarin nhiều gấp 63 lần bột quế Ceylon và thanh quế Cassia chứa coumarin nhiều gấp 18 lần so với thanh quế Ceylon.
Tương tác thuốc
Trang tin Webmd dẫn lời các chuyên gia y tế cảnh báo những bệnh nhân dùng thuốc thường xuyên nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn bổ sung quế dưới dạng thực phẩm chức năng. Họ nêu khả năng quế có thể tương tác với thuốc kháng sinh, thuốc trị đái tháo đường, thuốc chống đông máu, thuốc trị bệnh tim. Dùng nhiều quế có thể khiến môi và miệng bị kích ứng. Một số người có thể dị ứng với quế. Do chưa có bằng chứng chắc chắn về sự an toàn nên quế không được chỉ định cho trẻ em, thai phụ và mẹ cho con bú.