Sản phẩm từ hạt lúa mì, hạt lúa mạch đen, yến mạch không được xay xát kỹ hoặc gạo lức là dạng thực phẩm chính từ hạt thô để so sánh với gạo trắng, bột mì trắng là dạng đã được chế biến kỹ. Trong hạt thường có 3 thành phần chủ yếu là nội nhũ, mầm và cám. Hạt thô còn lại đủ cả 3 trong khi hạt đã xay xát mất đi cám và mầm. Hạt thô được xem là thành phần then chốt trong chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
Khẳng định tác dụng giảm viêm
Theo Hội Tim Mỹ, hạt thô giúp cải thiện mức độ cholesterol trong máu cũng như làm giảm nguy cơ béo phì, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường type 2 và những nghiên cứu gần đây nêu khả năng giảm viêm. Trong nghiên cứu mới được công bố trên tờ American Journal of Clinical Nutrition lần này, TS Simin Nikbin Meydani và cộng sự muốn khẳng định tác dụng hạn chế viêm của chế độ ăn nhiều hạt thô bằng cách so sánh tác dụng giữa hạt thô với hạt được xay xát kỹ trong vòng 8 tuần, trên 81 người trưởng thành khỏe mạnh cả nam và nữ, từ 40 đến 65 tuổi. Trong 2 tuần đầu, tất cả được cho dùng chế độ ăn theo kiểu phương Tây với hạt được xay xát. Ở 6 tuần còn lại, có 40 người tiếp tục dùng thực phẩm như trước trong khi 41 người khác được cho chế độ ăn giàu hạt thô. Điều quan trọng là các thành phần thực phẩm khác chứa năng lượng, chất béo, rau quả và protein được cung cấp bằng nhau ở cả hai nhóm, để chắc chắn chỉ có sự khác biệt về thực phẩm dạng hạt tác động đến kết quả. Tất cả bữa ăn đều được chuyên gia cân nhắc thiết kế với mục đích vẫn duy trì thể trọng. Điều này được giải thích rằng đã có nghiên cứu cho thấy thực phẩm từ hạt thô có thể gây giảm cân nên nhóm nghiên cứu muốn phân biệt rõ tác dụng hạn chế viêm bắt nguồn trực tiếp từ dùng hạt thô hay qua quá trình giảm thể trọng. Người tham gia điền vào danh sách thực phẩm trong mỗi bữa ăn, để các nhà khoa học kiểm soát lượng thực phẩm. Họ cũng được yêu cầu giữ hoạt động thể chất như bình thường và ghi nhận những triệu chứng ở đường ruột cũng như không dùng thuốc kháng viêm trong vòng 72 giờ trước khi được lấy mẫu máu để xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy so với chế độ ăn nhiều hạt đã xay xát kỹ, thực phẩm từ hạt thô làm tăng đáng kể lượng tế bào T có khả năng ghi nhớ - dạng tế bào bạch huyết có thể ngăn chặn nhiễm trùng và giữ vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch.
Tăng cường chuyển hóa, giúp giảm cân
Để xem xét dạng thực phẩm này ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột như thế nào, các nhà khoa học cũng phân tích mẫu phân của cả hai nhóm. So với những người dùng hạt xay xát kỹ, nhóm dùng hạt thô có lượng vi khuẩn Lachnospira tăng đáng kể. Đây là dạng vi khuẩn giúp sản sinh các axít béo chuỗi ngắn - vốn góp phần tích cực trong sự trao đổi chất của cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong một hệ miễn dịch lành mạnh. Hơn thế nữa, ở những người dùng hạt thô, dạng vi khuẩn gây viêm Enteorbacteriaceae giảm đáng kể. Nhóm nghiên cứu giả định Enteorbacteriaceae bị giảm là do phân của người dùng hạt thô có nồng độ acetate cao.
Kết quả đồng thời cho thấy những người dùng nhiều hạt thô có tỉ lệ trao đổi chất lúc nghỉ ngơi cao hơn, có mức độ thải phân tốt hơn. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu ghi nhận trường hợp giảm calo rõ rệt ở người dùng hạt thô kết hợp với chế độ ăn giàu chất xơ - có thể giảm ở mức 100 calo/ ngày, tương đương với một cuốc đi bộ 30 phút. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh phát hiện qua khảo sát này cho phép họ nhận định về lợi ích của hạt thô lên vi khuẩn đường ruột và phản ứng viêm. Họ kêu gọi thêm những nghiên cứu trong tương lai nên kết hợp nhiều sản phẩm ngũ cốc thô hơn nữa để cho ra bức tranh rõ ràng hơn về tác dụng lợi ích của hạt thô lên vi khuẩn đường ruột và phản ứng viêm cũng như lợi ích tiềm năng khác.
Ăn hạt thô giúp sống lâu
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ thuộc Học viện Y tế Công Harvard T.H. Chan được công bố trên tạp chí Circulation hồi tháng 6-2016 nêu khả năng dùng hạt thô hằng ngày có thể giảm thiểu nguy cơ tử vong ở nhiều dạng bệnh tật khác nhau.
Nhóm nghiên cứu phân tích lại dữ liệu của 12 khảo sát trong hơn 40 năm qua liên quan đến 786.076 người về mối liên quan giữa việc dùng hạt thô hằng ngày với khả năng giảm thiểu nguy cơ tử vong do bệnh tật. Kết quả cho thấy những người dùng trung bình 16 g hạt thô/ngày có hy vọng kéo giảm 7% nguy cơ tử vong nói chung, 9% nguy cơ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch và 5% nguy cơ tử vong do bệnh ung thư. Điểm đáng ghi nhận hơn nữa là nếu khẩu phần hạt thô tăng lên trung bình 48 g/ngày, nguy cơ tử vong nói chung giảm thiểu 20%; nguy cơ tử vong do tim mạch giảm 25% và nguy cơ tử vong do ung thư giảm 14%.