Sau gần 1 tuần chính thức hoạt động, số điện thoại 18006606 của tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí đã tiếp nhận mỗi ngày cả trăm cuộc gọi đến để mong nhận được lời khuyên của bác sĩ.
Đồng hành cùng chồng
Chị Thanh Xuân (37 tuổi, ở Hà Nội) điện thoại đến tổng đài chia sẻ nỗi lo: Gần một tuần sau khi thực hiện chế độ cai thuốc lá, chồng chị bỗng xuất hiện cảm giác bồng bềnh, mất tập trung. Không những thế, chồng chị ho liên tục giống như người bị viêm họng. Sau khi được bác sĩ tư vấn qua điện thoại, chị Xuân thấy yên tâm hơn hẳn và cho biết sẽ đồng hành cùng chồng trong “cuộc chiến” cai thuốc lá.
PGS-TS Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, cho biết rất nhiều người cai thuốc được một thời gian lại thấy mình ho nhiều, tăng cân nhanh nên vội vã hút thuốc lại. Theo PGS Hạnh, lên cân do cai thuốc lá là vì người cai sẽ ăn ngon, ngủ dễ hơn. Vì vậy, để tránh tăng cân không kiểm soát thì người cai thuốc cần duy trì chế độ ăn hợp lý kết hợp với tập thể dục. “Còn ho là phản xạ tự làm sạch của phổi để đẩy đờm từ những phế quản nhỏ lên các phế quản lớn. Hiện tượng này sẽ mất dần sau 1-2 tuần” - PGS Hạnh tư vấn.
Lâu nay, người nghiện thuốc lá muốn cai nghiện thường tự một mình “chiến đấu” hoặc có người thân hỗ trợ để vượt qua cơn thèm thuốc. Tuy nhiên, tỉ lệ thành công rất ít. Vì thế, để cai nghiện được, người hút thuốc lá cần có sự tư vấn chuyên sâu. Mới đây, Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai đã cho ra mắt Phòng Tư vấn và Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí (tổng đài tư vấn 18006606). GS-TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, cho biết có 2 hình thức tư vấn: Tư vấn qua điện thoại miễn phí theo số 18006606 từ 8 giờ đến 22 giờ các ngày trong tuần (trừ ngày nghỉ lễ) và tư vấn trực tiếp tại phòng khám 204 - khoa khám bệnh hoặc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai từ 8 giờ đến 17 giờ các ngày trong tuần. Những người hút thuốc lá và những người có bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ được các nhân viên y tế tư vấn trực tiếp về việc cai nghiện thuốc lá.
Tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá tiếp nhận cả trăm cuộc gọi mỗi ngày
Quyết tâm của cá nhân là quan trọng nhất
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), hiện Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá hàng đầu thế giới. Ước tính 47,4% nam giới và 1,4% nữ giới ở tuổi trưởng thành ở nước ta hút thuốc lá. Do đó, việc được hỗ trợ, tư vấn cai nghiện sẽ giúp người cai nghiện có thêm động lực để bỏ thuốc lá.
Các nghiên cứu mới nhất trên thế giới cho thấy nhân viên y tế cũng như hệ thống y tế có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với người hút thuốc lá vì ít nhất 70% số người hút thuốc lá có khám sức khỏe hằng năm. “Việc được bác sĩ tư vấn, chỉ ra những dấu hiệu nguy hiểm do thuốc lá gây ra sẽ giúp người bệnh “thức tỉnh” hơn so với lời khuyên của các thành viên trong gia đình” - ông Khuê nói.
Theo GS Ngô Quý Châu, ở Việt Nam mỗi năm có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Đặc biệt, có đến 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Hút thuốc lá gây ra 25 căn bệnh khác nhau, trong đó có các bệnh nguy hiểm như: bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, ung thư phổi (chiếm 80%-90%), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chiếm 75%) và hen phế quản...
Lợi ích về sức khỏe sau cai nghiện thuốc lá là rất lớn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ sau 1 năm cai thuốc thì nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm đi 50%, sau 5 năm nguy cơ tai biến mạch máu não giảm 100% và sau 10 năm nguy cơ tử vong do ung thư phổi giảm 50%; nguy cơ ung thư miệng, họng, thực quản, bàng quang, thận, tụy tạng giảm.
GS Ngô Quý Châu cho biết Phòng Tư vấn và Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá sẽ là kênh truyền thông, tư vấn hữu hiệu, góp phần giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá. “Bệnh viện Bạch Mai là nơi tập trung số lượng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám điều trị nhiều nhất trong cả nước, đây cũng là nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tuy vậy, muốn cai được thuốc lá thì quyết tâm của cá nhân là yếu tố quan trọng nhất” - PGS Châu nhấn mạnh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 1 tỉ người nghiện thuốc lá, trong đó có đến 70% cho biết họ có ý định cai thuốc lá, điều này cho thấy nhu cầu được hỗ trợ cai nghiện thuốc lá trong cộng đồng là rất lớn. |
Bài và ảnh: Ngọc Dung