Tiêm vắc-xin là cách giúp trẻ tránh được hơn 10 loại bệnh nguy hiểm. Tuy vậy, để hạn chế các tai biến liên quan đến tiêm vắc-xin, cha mẹ cần phối hợp với cán bộ y tế trong việc khai thác tiền sử và theo dõi sức khỏe trẻ sau tiêm chủng.
Vắc-xin nào cũng gây phản ứng
GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết mỗi năm có hàng triệu trẻ em trên toàn quốc được tiếp cận với vắc-xin phòng bệnh miễn phí thông qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tuy nhiên, theo GS Đức Anh, chất lượng dịch vụ tiêm chủng tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn là thách thức lớn đối với công tác tiêm chủng. Ngoài ra, ảnh hưởng của một số phản ứng nặng sau tiêm chủng đã gây tâm lý lo ngại cho các bà mẹ sau khi đưa con đi tiêm, ảnh hưởng đến niềm tin và sự hưởng ứng của cộng đồng. Trong khi đó, tâm lý chờ đợi tiêm vắc-xin dịch vụ dẫn đến tình trạng trì hoãn các mũi tiêm tại một số địa bàn đô thị khiến cho trẻ tiêm chủng muộn, tiêm chủng không đủ mũi có nguy cơ mắc bệnh và xảy ra dịch, đặc biệt là bệnh sởi, bệnh ho gà trong thời gian vừa qua.
Tư vấn và khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin tại một điểm tiêm chủng vắc-xin ở Hà Nội
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng thách thức lớn nhất chính là việc người dân lo ngại an toàn tiêm chủng và bỏ sót mũi tiêm. Năm 2015, cả nước ghi nhận trên 250 bé xét nghiệm dương tính với bệnh ho gà. Trong đó, có 50% trẻ từ 2-4 tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin, số còn lại chưa đến tuổi tiêm phòng (dưới 2 tháng tuổi) hoặc đã 2-3 tuổi. “Năm 2016, vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim được dự báo sẽ tiếp tục khan hiếm, trong khi đó việc bỏ tiêm các mũi vắc-xin quan trọng có thể khiến trẻ nhỏ bị mắc các bệnh nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, viêm gan B, viêm màng não...” - ông Phu lo ngại.
Theo ông Phu, vắc-xin nào cũng có tỉ lệ tai biến sau tiêm nhất định, thậm chí tỉ lệ trẻ gặp tai biến ngày càng cao do số lượng mũi tiêm cũng ngày càng nhiều. Trong 9 tháng đầu năm 2015, cả nước có trên 3.000 trẻ gặp tai biến sau tiêm chủng, trong đó có 32 ca tai biến nặng và 16 trường hợp tử vong (8 trường hợp sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, 5 trường hợp sau tiêm vắc-xin lao và 3 trường hợp sau tiêm ngừa viêm gan B). Các vắc-xin khác cũng đều có tỉ lệ phản ứng, như vắc-xin uốn ván có 5-10 trường hợp/triệu mũi tiêm có nguy cơ gặp viêm thần kinh cánh tay, 1-6 trường hợp có thể gặp sốc phản vệ; hay sau tiêm vắc-xin sởi thì cứ 1 triệu liều tiêm có thể có tới 330 trẻ co giật, sốt.
50 yếu tố ảnh hưởng đến cơ địa
TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia - khẳng định không có vắc-xin nào an toàn 100%. Có 5 nguyên nhân của phản ứng sau tiêm chủng, đó là: phản ứng liên quan đến vắc-xin; sai sót tiêm chủng (gây ra bởi việc bảo quản, vận chuyển, chỉ định và tiêm chủng vắc-xin không đúng); lo lắng khi tiêm chủng (ngất xỉu, thở nhanh, choáng váng, chóng mặt, khó thở...); trùng hợp ngẫu nhiên (do bệnh lý sẵn có của trẻ); và phản ứng sau tiêm không rõ nguyên nhân.
Với kinh nghiệm điều trị các bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương, lưu ý các bậc cha mẹ cần thông tin về bệnh chàm. “Đây là biểu hiện của bệnh dị ứng nhưng cha mẹ lại không biết. Trong khi khai thác tiền sử để tiêm chủng, cán bộ y tế có thể hỏi trẻ có bị dị ứng không, cha mẹ nói không vì không biết chàm là dị ứng và cũng là yếu tố nguy cơ. Hiện nay đã ghi nhận 50 yếu tố ảnh hưởng đến cơ địa dị ứng nhưng các xét nghiệm chỉ tìm được 7-8 yếu tố, các trung tâm lớn cũng chỉ kiểm tra được 12 yếu tố” - ông Hải nói.
Theo bác sĩ Hải, khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cha mẹ cần thông báo hết các biểu hiện của trẻ như có thở khò khè hay không, có vấn đề về hô hấp hay sốt để nhân viên y tế có quyết định phù hợp (tiêm chủng hay hoãn tiêm). “Không chỉ tiêm vắc-xin mà với bất cứ mũi tiêm nào, sau tiêm 24-48 giờ, cha mẹ cần theo dõi trẻ sát sao, trong đó có các yêu cầu như cặp nhiệt độ thường xuyên nếu trẻ bị sốt. Nếu trẻ quấy khóc, kích thích vật vã, lừ đừ, khó thở, sốt quấy khóc vô cớ hay có các biểu hiện trên da như vân tím, nhợt nhạt, chân lạnh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Cũng theo bác sĩ Hải, trong quá trình khám bệnh có nhiều bé trông vẫn khỏe mạnh, nhưng kiểm tra gan và lách bé thì thấy gan to, lách sưng, vàng da; sau đó bé được kết luận bị tan máu bẩm sinh. Thậm chí, có bé vào viện vẫn đi được bình thường nhưng hôm sau đã phải thở máy và hơn 1 tháng sau thì tử vong.
Đánh giá về ảnh hưởng của tiêm chủng với sức khỏe trẻ nhỏ, bác sĩ Hải cho rằng hơn 10 năm trước, tại Bệnh viện Nhi trung ương có tới 60% trẻ viêm não nhập viện là do mắc viêm não Nhật Bản B, trong đó tỉ lệ trẻ bị di chứng hoặc tử vong rất cao. Đến nay, sau một quá trình dài triển khai tiêm chủng, tỉ lệ trẻ mắc viêm não Nhật Bản chỉ còn 10% trong tổng số bệnh nhi viêm não.
Không dùng biện pháp dân gian chữa phản ứng TS Dương Thị Hồng khuyến cáo cần chống chỉ định tiêm chủng một vắc-xin nếu trẻ có nguy cơ dị ứng nặng với vắc-xin và các thành phần của nó. Không nên dùng vắc-xin sống cho trẻ suy giảm miễn dịch. Đặc biệt, các bà mẹ không nên sử dụng các biện pháp dân gian điều trị khi con trẻ gặp phản ứng vắc-xin (uống các loại nước lá, uống tro...) có thể gây rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng. |
Bài và ảnh: Ngọc Dung