TS-BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết mới đây, viện này đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân là nữ sinh viên 21 tuổi trong tình trạng cổ tay có hơn chục vết cắt rỉ máu. Khi được hỏi về nguyên nhân của những vết cắt, nữ sinh cho biết cô gặp phải một số vấn đề áp lực trong cuộc sống nhưng không biết giải quyết thế nào. Quá bế tắc, cô bèn lấy dao lam tự rạch vào tay. "Rạch một hai nhát, cháu không hề có cảm giác đau đớn mà ngược lại, cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn nên tiếp tục rạch cho đến khi cảm thấy nhẹ lòng. Cứ mỗi lần bế tắc, cháu lại làm như vậy với bản thân" - bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ.
Lý giải, bác sĩ Phương cho rằng hành vi của nữ sinh kể trên xuất phát từ hội chứng tự ngược đãi bản thân. Đây chính là hình thức tự làm đau cả về thể chất, thậm chí là cả tinh thần, với mục đích loại trừ bản thân hay loại trừ những bất toại... "Thực tế, khi một ai đó dùng vật sắc nhọn (lưỡi dao lam, mảnh vỡ sành, sứ…) tự rạch vào da thịt cho chảy máu, giật tóc, tát vào mặt mình... để được thỏa mãn là một trong nhiều biểu hiện của hội chứng ngược đãi bản thân. Trong trường hợp một người nào đó tự đặt ra những hình phạt không phù hợp cho mình… cũng được coi là biểu hiện của hội chứng ngược đãi bản thân" - bác sĩ Phương nói.
Tự rạch vào da thịt mình để được thỏa mãn là một trong những biểu hiện của hội chứng ngược đãi bản thân
Giới chuyên môn cho biết những dấu hiệu nhận biết bệnh nhân mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân đó là có hành vi tự gây tổn hại, tức là tự gây đau cho bản thân mình. Bệnh nhân có thể tự lao đầu vào tường, tự đánh, tát, nhổ tóc, cào rách da hoặc nhịn ăn... Cùng đó là trạng thái ức chế cảm xúc đi kèm. Biểu hiện là bệnh nhân có xu hướng tự gây tổn hại về tinh thần, như tự ngược đãi về tinh thần, đưa mình vào nhiều hoàn cảnh cấm đoán để chịu khổ sở. "Điều đáng nói là sau mỗi lần làm tổn hại bản thân, bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn, nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế" - bác sĩ Phương thông tin. Ngoài ra, người bệnh có các rối loạn như: cảm giác buồn, chán nản; mệt mỏi; dễ cáu giận; rối loạn giấc ngủ… Đặc biệt, các vấn đề stress cũng có thể gây nên hội chứng tự ngược đãi bản thân.
Bác sĩ Phương cho biết hiện nay, trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp nhất vì nhà trường chủ yếu là giáo dục tri thức và vẫn nặng về kỷ luật. Ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng/bệnh tự ngược đãi bản thân ở tuổi mới lớn.