Hãy cùng tìm hiểu một số nguyên tắc an toàn cơ bản cho bé dưới đây do tạp chí American Baby đưa ra để đảm bảo cả gia đình có một mùa hè tràn ngập tiếng cười:
Đi chơi sớm
Luôn đến bể bơi hoặc ra biển vào lúc sáng sớm. Trẻ em thường có nhiều năng lượng hơn vào thời điểm này trong ngày. Bên cạnh đó, mặt trời cũng chưa quá chói chang. Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào giờ nắng nóng cực điểm là từ 10h-14h.
Che chắn
Che chắn cho bé cẩn thận khi hoạt động dưới nắng
Trẻ em có làn da nhạy cảm hơn người lớn nên nếu bạn vẫn ra ngoài với áo chống nắng kín mít thì không có lý do gì lại để con phơi da dưới ánh mặt trời.
Mỗi khi đưa bé ra ngoài hãy chuẩn bị kem chống nắng, áo dài tay, kính mát, ô...
Sử dụng kem chống nắng
- Chọn đúng loại: Chọn kem chống nắng có chứa oxide kẽm hoặc dioxide titanium. Những loại chất khoáng này có thể ngăn chặn cả tia UVA và UVB. Hãy đảm bảo đây là những thành phần hoạt tính duy nhất trong loại kem chống nắng bạn mua để an toàn cho bé.
Bôi kem chống nắng cho trẻ 30 phút trước khi đi ra ngoài. Đừng quên mũi, tai, tay, ngón chân, vai, gáy. Môi cũng có thể bị cháy nắng nên hãy bảo vệ cả bộ phận này.
- Sử dụng lượng hợp lý: Với trẻ em, nên bôi một lượng kem chống nắng vừa phải. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cách tốt nhất là giữ bé trong bóng râm. Tuy nhiên, Viện nhi khoa Hoa Kỳ cho biết, bôi một lượng nhỏ kem chống nắng khi không thể tránh ánh nắng trực tiếp là hoàn toàn chấp nhận được.
Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Trẻ càng trắng càng dễ bị cháy nắng.
- Thường xuyên bôi bổ sung: Bôi bổ sung cho trẻ sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi. Có thể sử dụng kem chống nắng có khả năng chống nước nhưng điều đó cũng không có nghĩa là nó sẽ tồn tại được đủ lâu. Nên bôi bổ sung khoảng 1 giờ 1 lần.
Làm gì khi bé bị cháy nắng
- Làm dịu các vết cháy nắng bằng một tấm khăn bọc đá lạnh.
- Giữ bé ở trong nhà cho đến khi những vết cháy nắng liền da. Tùy thuộc vào độ nghiêm trọng, thời gian này có thể kéo dài tới vài tuần. Tránh để da bé bị tổn thương thêm bởi những vết thương nghiêm trọng có thể để lại dấu vết trên cơ thể bé suốt đời. Nếu da bé đỏ như tôm luộc hoặc phồng rộp, hãy đưa bé đến bác sĩ.
Ở sân chơi
- Chơi cầu trượt ở trong bóng râm. Vì cầu trượt bị phơi dưới nắng một thời gian dài sẽ có bề mặt rất nóng, có thể làm bé bị bỏng. Mùa hè năm 2015, đài CBS ở New York đã tiến hành điều tra ở một số sân chơi cho thấy bề mặt các dụng cụ, thiết bị có khi lên tới gần 75 độ C.
- Nếu bé không may bị cát vào mắt, hãy rửa tay và vốc nước ấm, sạch rửa mắt cho bé. Nếu sau đó vài giờ hoặc vài ngày, bé vẫn thấy đau, hãy đưa bé đi khám. Cát có thể làm rách giác mạc của bé.
Một số lưu ý khác
- Nếu đưa bé đi rừng, hãy mặc quần áo dài cho bé để tránh bị côn trùng đốt hay cây độc gây dị ứng.
- Nên chọn quần áo màu nhạt, trung tính và ít hoa văn cho bé. Ong thường bị hấp dẫn bởi những bộ trang phục sặc sỡ và sáng màu.
- Luôn lưu số điện thoại của bác sĩ, khi cần thiết, bác sĩ có thể giúp bạn xử lý một số tình huống và đưa ra lời khuyên tốt nhất.