Từ đó, các Hội, đoàn thể đã trở thành cầu nối quan trọng khi mang nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và những đối tượng chính sách. Không chỉ giúp đỡ về tài chính, các hoạt động này còn góp phần nâng cao nhận thức, khuyến khích sự chủ động và tinh thần tự lực của người dân trong việc cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai (NHCSXH), cho biết trong năm 2024 Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội (CT-XH) nhận ủy thác, chính quyền cấp huyện, cấp xã và các đơn vị có liên quan quyết liệt triển khai kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo của cấp trên. Với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, ngành, sự quyết tâm, nỗ lực cao của toàn thể cán bộ, người lao động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Theo ông Cường, năm 2024, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã hoàn thành tốt tất cả các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ được giao, ước đến 31-12-2024, tổng nguồn vốn đạt hơn 5.797 tỉ đồng, tăng 810 tỉ đồng so với đầu năm, tỉ lệ tăng trưởng đạt 16,3%, (cao hơn bình quân của quốc).
Tổng dư nợ cho vay đạt hơn 5.787 tỉ đồng với 127.500 khách hàng còn dư nợ, tăng 810 tỉ đồng so với đầu năm, tỉ lệ tăng trưởng đạt 16,3%, hoàn thành 100% kế hoạch. Chất lượng tín dụng và chất lượng hoạt động tiếp tục được duy trì đảm bảo, tỉ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,20%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,14%/tổng dư nợ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh và 11/11 đơn vị cấp huyện được xếp loại chất lượng tín dụng đạt loại tốt (100% đơn vị chất lượng tín dụng xếp loại tốt).
Đạt kết quả trên ngoài sự nỗ lực, quyết tâm cao của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai và các Phòng giao dịch NHCSXH huyện, thành phố có sự góp sức rất lớn từ các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở.
Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, trong năm 2024, các cấp Hội đã nhận ủy thác phối hợp với NHCSXH tổ chức bình xét cho vay được 17.700 hộ nghèo và các đối tượng chính sách với số tiền 870 tỉ đồng, nâng tổng dư nợ ủy thác đến nay hội đang quản lý lên 1.023 tổ tiết kiệm và vay vốn, với số tiền 2.285 tỉ đồng (chiếm tỉ trọng 40,0%) với 50.500 hộ còn dư nợ.
Thông qua hoạt động nhận ủy thác với NHCSXH, các cấp Hội đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, giải ngân kịp thời, đã tạo điều kiện giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác từng bước hỗ trợ cho các hộ gia đình phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Bà Đỗ Phạm Thúy Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thống Nhất chia sẻ: Đối với Hội LHPN huyện từ đầu năm đã chủ động phối hợp Phòng giao dịch NHCSXH huyện tổ chức hướng dẫn hồ sơ thủ tục và bình xét cho vay được 1.140 hộ nghèo và các đối tượng chính sách với số tiền gần 60 tỉ đồng; hiện nay hội đang quản lý 61 tổ, có 3.109 thành viên tham gia tiền gửi tiết kiệm hàng tháng qua Tổ đạt tỉ lệ 98,62% với số dư tiền gửi đạt 8.724 tỉ đồng.
Hiện nay, tổng số hộ vay còn dư nợ do Hội LHPN huyện quản lý là 3.143 hộ với số tiền trên 144 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn 55,602 triệu đồng (chiếm tỉ lệ 0.04%).
Theo bà Lan, để đạt những kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn từ cán bộ hội ở cơ sở, những người bám sát thực tiễn, hiểu hoàn cảnh từng hộ gia đình và nêu cao tinh thần trách nhiệm khi thực hiện chặt chẽ ngay từ đầu từ khâu cho vay vốn đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả nhất. Đồng thời, Hội LHPN huyện tăng cường công tác giám sát hoạt động đối với các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở thường xuyên để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả nhất, giúp hội viên, phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Trần Huyền Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, cho biết từ nguồn vốn chương trình vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân trên địa bàn xã được tiếp cận các nguồn vốn vay để chăn nuôi bò, dê, cải tạo vườn cây ăn trái. Cụ thể, thông qua Hội Phụ nữ, 352 hộ được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH huyện Thống Nhất.
Ông Nguyễn Sỹ Cường cho hay việc cho vay vốn tại NHCSXH được ủy thác cho các tổ chức CT-XH thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn được đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ và bình xét cho vay phù hợp nhu cầu người vay.
Các tổ chức CT-XH đã phát huy vai trò quan trọng trong việc quản lý, bình xét và giám sát sử dụng vốn vay, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Chính quyền địa phương và Trưởng ấp cũng tham gia tích cực vào quá trình quản lý tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, tạo nên một hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Sự phối hợp này đã giúp chất lượng tín dụng được duy trì đảm bảo, tỉ lệ nợ quá hạn luôn ở mức thấp dưới 0,14%, mang lại hiệu quả cao cho các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Theo ông Cường, sự tích cực, chủ động trong thực hiện công tác nhận ủy thác vốn vay với NHCSXH của các hội đoàn thể đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế trên địa tỉnh, góp phần vào việc triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững không để ai bị bỏ lại phía sau, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Cho 14.300 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh, trong năm 2024, Hội đã chủ động phối hợp với NHCSXH hướng dẫn Hội Nông dân các huyện và thành phố tổ chức bình xét cho vay được 14.300 hộ nghèo và các đối tượng chính sách với số tiền 700 tỉ đồng, nâng tổng dư nợ ủy thác đến nay hội đang quản lý lên 862 tổ tiết kiệm và vay vốn, với số tiền 1.910 tỉ đồng với 42.600 hộ còn dư nợ thông qua các chương trình ủy thác cho vay: Hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, nhà ở xã hội, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm...
Chất lượng tín dụng và hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn không ngừng được củng cố, nâng cao cả về lượng và chất, nợ quá hạn với số tiền là 2,8 tỉ đồng chiếm tỉ lệ là 0,14%, đã góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, phát triển giáo dục, dạy nghề, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.