Trong khi đó, thang máy đang ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng trong đời sống của con người. Không chỉ được lắp đặt tại các tòa nhà văn phòng, chung cư cao tầng, các dự án công, thang máy giờ đây còn hiện hữu ngày một nhiều tại những ngôi biệt thự, nhà phố, những ngôi nhà thấp tầng ở khắp mọi nơi. Tính trung bình, hiện nay có khoảng 250.000 - 300.000 thang máy đã được lắp đặt và sử dụng trên cả nước. Hàng năm, có khoảng 10.000 thang máy mới được lắp đặt và số lượng này còn tăng lên trong thời gian tới. Như vậy, số lượng nhân viên kỹ thuật cần có để thực hiện bảo trì, sửa chữa sẽ là khoảng 12.000 người. Còn số lượng nhân viên lắp đặt thang máy cần có khoảng 1.500 người và số lượng này còn tiếp tục tăng cao trong vòng 30 năm tới.
Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Hải Đức (thứ 4 từ phải sang) cùng NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh - Phụ trách trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (thứ 5 từ phải sang) trong buổi làm việc tại trường về việc thành lập Trung tâm
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã phối hợp cùng Gama Service - Đơn vị dịch vụ kỹ thuật thang máy cao cấp của GamaLift và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội quyết định thành lập Trung tâm đào tạo ngành kỹ thuật thang máy.
Trung tâm trực thuộc trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, do trường trực tiếp quản lý, thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo kỹ thuật thang máy. Hiệp hội Thang máy Việt Nam đóng vai trò hoạch định về phương hướng đào tạo và Gama Service sẽ thực hiện các hoạt động chuyên môn, thực tiễn của ngành kỹ thuật thang máy. Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật thang máy thuộc Trung tâm sẽ có cơ hội làm việc tại GamaLift, Gama Service, các công ty lắp đặt thang máy, công ty dịch vụ thang máy trong và ngoài nước, các công ty quản lý tòa nhà mảng thang máy hoặc tự do hành nghề trong lĩnh vực này.
Đây là lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, ngành kỹ thuật thang máy chính thức được đưa vào chương trình đào tạo.