Truyền thông trong bình đẳng giới - Vai trò và trách nhiệm
Từ trước tới nay, bên cạnh nhiệm vụ phản ánh rõ ràng và chân thực nhất những vấn đề nổi cộm của xã hội, truyền thông cũng giữ một vai trò tiên phong trong việc chủ động nắm bắt, định hướng dư luận. Đối với bình đẳng giới, bản thân các phóng viên, các cán bộ truyền thông chính là những người sẽ dùng kỹ năng nghiệp vụ, ngòi bút sắc bén của mình để tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng về giới và bình đẳng giới, từ đó tác động đến nhận thức và kêu gọi hành động của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội.
Vấn đề về giới và bình đẳng giới cần được chú ý trên các sản phẩm báo chí, truyền thông mọi lĩnh vực
Những vấn đề liên quan tới giới và bình đẳng giới vẫn thường được mặc định là chủ đề chỉ xuất hiện trong các tờ báo dành cho gia đình, phụ nữ như báo Gia đình & Xã hội, báo Phụ nữ Việt Nam, báo Phụ nữ Thủ đô... hay những chuyên mục nhỏ dành riêng cho phụ nữ trong các tờ báo, trang tin tức lớn. Thực tế, việc truyền thông về vấn đề này, đôi khi, chưa được chú ý trên các sản phẩm báo chí, truyền thông đại chúng, thậm chí, những định kiến, khuôn mẫu giới có thể vô thức được viết ra theo thói quen từ những nhận thức bất bình đẳng giới chúng ta vẫn nghĩ là "bình thường" bấy lâu nay. Tuy nhiên, bình đẳng giới không chỉ gói gọn ở những chủ đề chỉ liên quan tới phụ nữ và càng không chỉ cần sự quan tâm của một mình phái nữ. Nơi nào có hoạt động của con người, nơi ấy sẽ tồn tại những vấn đề liên quan tới giới. Và bình đẳng giới là bình đẳng cho cả nam và nữ.
Phóng viên và cán bộ truyền thông đóng vai trò quan trọng trong truyền thông có nhạy cảm giới
Xã hội được tạo nên bởi sự đa dạng trong văn hoá, tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ và cả giới. Tầm quan sát bị thu hẹp bởi định kiến giới của người làm báo, làm truyền thông sẽ vô hình trung trở thành một cái khuôn bó buộc lên tác phẩm được tạo ra, khiến chúng mất đi khả năng phản ánh chính xác và toàn diện xã hội - một đặc tính vô cùng quan trọng của sản phẩm truyền thông. Có thể thấy, tôn trọng bình đẳng giới và sự đa dạng sẽ giúp các nhà làm truyền thông có một cái nhìn toàn diện hơn về đề tài mình theo đuổi.
Xây dựng các sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới - Từ lý thuyết tới thực hành
Tuy hiểu được vai trò và trách nhiệm của truyền thông trong việc tuyên truyền và thúc đẩy bình đẳng giới, việc tạo ra những sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới cũng vẫn sẽ là một thách thức lớn nếu các nhà báo, phóng viên, các cán bộ truyền thông không được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng liên quan.
30 học viên tham gia khóa tập huấn "Giới và Bình đẳng giới với phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông" tháng 10 vừa qua
Đây là lý do khóa tập huấn "Giới và Bình đẳng giới với các phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông " được Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức cho gần 30 học viên vào tháng 10 vừa qua. Hoạt động thuộc sáng kiến cùng tên của VSF, sáng kiến đã vượt qua 12 đề xuất trong khu vực châu Á, nhận được tài trợ từ Viện Giáo dục và Thúc đẩy Bình đẳng Giới Hàn Quốc (KIGEPE). Mục tiêu của sáng kiến nhằm giúp một nhóm các phóng viên trẻ trở thành những nhà tiên phong về giới, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng thông qua các sản phẩm báo chí của họ. Những nhà tiên phong về giới này cũng sẽ gây sức ảnh hưởng đến đồng nghiệp của họ để tạo ra nhiều nhà tiên phong về giới hơn.
Khoá tập huấn thu hút các phóng viên tới từ các tòa soạn, cơ quan truyền thông như VOVTV, báo điện tử Zing News, báo Dân Việt, báo Tiền Phong, v.v. cùng cán bộ truyền thông của các dự án xã hội như dự án "Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt", "Cùng em Khôn lớn",v.v.
Học viên tìm hiểu kiến thức về giới và bình đẳng giới thông qua các hình thức đa dạng
Bằng các trò chơi trải nghiệm sinh động, hình thức tranh biện, sắm vai, đóng kịch, các phóng viên và cán bộ truyền thông trẻ đã hiểu được những kiến thức cơ bản về giới, giới tính, định kiến giới, khuôn mẫu giới, nhạy cảm giới, lồng ghép giới, trách nhiệm giới, nhận dạng giới, xu hướng tính dục và thể hiện giới.
Các học viên cũng được thực hành phân tích, đánh giá các chi tiết nhạy cảm giới và định kiến giới trong các tác phẩm truyền thông gần đây qua hoạt động "Nhặt Ngọc - Nhặt Sạn". Thông qua hoạt động này, học viên có thể rèn luyện kỹ năng thực hành xây dựng các sản phẩm có nhạy cảm giới. Đồng thời, các học viên cũng được ứng dụng những kiến thức vào lĩnh vực mình phụ trách, các lĩnh vực đa dạng từ văn hóa, môi trường, người tốt việc tốt, đến trẻ em, khởi nghiệp,v.v. Các nhóm đã cùng nhau phân tích là nêu những điều nên và không nên khi sản xuất các tin bài trong các lĩnh vực liên quan..
“Khóa học giúp em nhận ra rằng trước đây, chính em cũng đã từng củng cố định kiến giới khi tác nghiệp và trong khi sản xuất tin bài. Em luôn nghĩ rằng đàn ông không chăm sóc người khác tốt như phụ nữ và phụ nữ khó có thể trở thành một người lãnh đạo tốt như đàn ông.” – chia sẻ của bạn Hoàng Khánh Vân – phóng viên tạp chí Doanh nghiệp và Thương Hiệu.
Sau khóa tập huấn, các học viên sẽ tham gia chuyến thực địa để khai thác các đề tài về bình đẳng giới và tọa đàm chia sẻ về thuận lợi và thách thức và kế hoạch công việc trong việc áp dụng những kiến thức và kỹ năng đã học về giới và bình đẳng giới.
Khó có sự thay đổi nào có thể diễn ra trong một sớm một chiều, đặc biệt đối với những vấn đề đã ăn sâu, bén rễ trong nhận thức. Chính vì thế, việc trang bị những kiến thức và kỹ năng liên quan tới giới và bình đẳng giới cho các phóng viên, nhà báo và người làm truyền thông là vô cùng cần thiết. Bởi chỉ khi cá nhân các nhà báo, những người làm truyền thông có thể hiểu rõ ràng và có nhận thức đúng đắn về các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, họ mới có thể cho ra đời những tác phẩm không chỉ phản ánh thực tế khách quan, đa dạng của xã hội mà còn đồng thời góp phần xóa bỏ những định kiến giới.
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2014 với sứ mệnh đóng góp cho Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đặc biệt là các mục tiêu về giáo dục, sức khỏe, công bằng và phát triển bền vững.
Thông tin chi tiết truy cập: http://vitamvocviet.vn/ hoặc fanpage https://www.facebook.com/quyvitamvocviet