Ngày 12-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB).
Thay đổi mạnh mẽ
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, qua 9 năm thực hiện, Luật KCB đã có những ảnh hưởng quan trọng, giúp lĩnh vực KCB có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở KCB giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ KCB chất lượng tốt. Quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh. So với năm 2012, thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh. Đến nay, toàn quốc đã có 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. Điều này đã giúp tỉ lệ chuyển tuyến giảm khoảng 65%-100% số ca chuyển tuyến ở những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh.
Chất lượng dịch vụ y tế đã có những thay đổi mạnh mẽ sau 9 năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, thành tựu lớn nhất trong thời gian vừa qua của ngành là từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Cụ thể, hiện 100% xã có trạm y tế; khoảng 87,5% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, nhiều trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất khang trang. Ngoài KCB thông thường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thực hiện các nhiệm vụ về y tế dự phòng, một số trạm y tế đã thực hiện quản lý, tư vấn sức khỏe người dân trên địa bàn, quản lý một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… Bên cạnh đó, các cơ sở y tế công lập được củng cố và phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống với gần 14.000 cơ sở. Các cơ sở y tế tư nhân có bước phát triển lớn, đóng vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ y tế cho người dân. Một số phòng khám bác sĩ gia đình tham gia thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Sẽ siết cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ
Tuy vậy, Bộ Y tế cũng thừa nhận dù thu được nhiều thành tựu song theo báo cáo của các cơ sở, hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập trong công tác KCB. Vẫn còn tình trạng không công nhận, không thừa nhận kết quả KCB giữa các cơ sở y tế gây lãng phí nguồn lực của nhân dân và xã hội. Chất lượng dịch vụ KCB vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện cả về cách thức tổ chức cung ứng dịch vụ, thủ tục hành chính, chất lượng chuyên môn… Tổ chức mạng lưới và năng lực của cán bộ y tế, nhất là ở tuyến cơ sở, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số nhanh.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, sau 9 năm thực hiện Luật KCB tính đến tháng 12-2018, cả nước có trên 360.000 người hành nghề được cấp chứng chỉ, giấy phép hoạt động cho gần 50.000 cơ sở KCB. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam chứng chỉ hành nghề được cấp vô thời hạn trong khi trên thế giới các nước đều cấp có thời hạn. "Nếu như người được cấp chứng chỉ để xảy ra sai sót về chuyên môn, không được cập nhật kiến thức y khoa liên tục thì sẽ không gia hạn chứng chỉ. Còn ở Việt Nam, thời hạn của chứng chỉ hành nghề là vô thời hạn nên sẽ không tạo ra động lực để học tập, rất dễ xảy ra sai sót" - ông Quang nhận định. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Y tế đề xuất sửa luật sẽ có thêm quy định về việc người được cấp chứng chỉ hành nghề phải thường xuyên cập nhật kiến thức y khoa. Đồng thời cũng sẽ quy định thời hạn của chứng chỉ còn 5 năm, sau đó phải tiến hành cấp lại.
Cũng theo ông Quang, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề của Việt Nam đang khác so với quốc tế. Trong khi quốc tế cấp chứng chỉ hành nghề qua các kỳ thi quốc gia thì Việt Nam cấp phép hoàn toàn dựa trên hồ sơ nên chưa bảo đảm được chất lượng đầu vào.
Nhìn nhận quá trình thực hiện luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập như một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu rà soát những điều khoản, nội dung trong Luật KCB gây vướng mắc, mâu thuẫn, thậm chí "ghè đá vào chân" thầy thuốc, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn.
Với thực trạng người nhà bệnh nhân và một số đối tượng khác gây mất trật tự và bạo hành tại các cơ sở KCB, nhiều cán bộ y tế đề nghị cần bổ sung những quy định, nghĩa vụ đối với tất cả đối tượng đến cơ sở KCB chứ không chỉ là người bệnh và cần phải quy định tình tiết tăng nặng khi có vi phạm. Đặc biệt, luật cũng đang bỏ sót các hành vi bị nghiêm cấm như: thoái thác nghĩa vụ đóng viện phí gây khó khăn cho cơ sở; cấm lưu trú trong cơ sở y tế không vì mục đích KCB; cấm sử dụng rượu bia khi đi KCB; cấm đập phá tài sản, cấm bạo hành nhân viên y tế dưới mọi hình thức; cấm tự ý xâm nhập vào khu vực chuyên môn của nhân viên y tế. Hiện vẫn còn nhiều khoảng trống về các quy định chuyên môn kỹ thuật trong KCB; giải quyết tranh chấp trong KCB; ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB; an ninh bệnh viện... đòi hỏi Luật KCB sửa đổi trong thời gian tới đây.