Người cao tuổi, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là người từ 60 tuổi trở lên. Hiện nay, ở Việt Nam, chất lượng cuộc sống đang được nâng cao, tuổi thọ trung bình ngày càng cao, số lượng người cao tuổi chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Nguy cơ mắc bệnh ở người có sẵn bệnh nền
Tuổi cao, theo quy luật sẽ kéo theo sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể, từ hệ cơ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, hệ thống mạch máu. Sự lão hóa còn làm giảm khả năng thích ứng của cơ thể với sự thay đổi của thời tiết, môi trường, tăng khả năng mắc các bệnh lý lây nhiễm từ cộng đồng, đặc biệt các bệnh lý đường hô hấp. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, hơn 80% ca tử vong do dịch Covid-19 ở nước này là người trên 60 tuổi. Còn theo Viện Y tế quốc gia Ý độ tuổi trung bình của người tử vong do dịch Covid-19 ở quốc gia này là 78,5 và tuổi trung bình của người nhiễm là 63. Trong số 3.200 ca tử vong ban đầu vì dịch Covid-19 ở Ý, có khoảng 98,8% có ít nhất một bệnh lý nền.
Tại Việt Nam, độ tuổi nhiều người mắc Covid-19 nhất là từ 50 đến 64 tuổi (chiếm hơn 35%). Hiện tại, trong số 3 ca bệnh nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2) có 4 ca, gồm 2 bệnh nhân người Việt và 2 bệnh nhân người Anh trên 60 tuổi đều có từ 1 đến 3 bệnh lý nền. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mạn tính, như: tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận... thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng là những đối tượng có nguy cơ cao dễ bị diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Ảnh: Tuấn Dũng
Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ Bệnh viện Lão khoa trung ương, nhận định chính vì mắc các bệnh lý nền mà sức đề kháng của người cao tuổi giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Vì vậy, nếu người cao tuổi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ làm thúc đẩy các bệnh mạn tính đó chuyển thành giai đoạn cấp, dẫn đến bệnh nhân rất dễ tử vong.
Nâng cao thể trạng, hạn chế ra đường
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, diễn biến hầu hết người bệnh Covid-19 (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Khoảng 14% số ca bệnh diễn biến nặng, như: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện. Với người cao tuổi có các bệnh lý nền kèm theo tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Do đó, việc chăm sóc và điều trị bệnh cho người cao tuổi cần có sự phối hợp các chuyên khoa.
Để phòng dịch Covid-19 đối với người cao tuổi, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị, khuyến cáo trước tiên, người cao tuổi cần phải nâng cao thể trạng, tuân thủ việc điều trị bệnh mạn tính hiện có theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, với những người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường nên kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, duy trì ổn định bệnh lý tim mạch... Ngoài ra, người cao tuổi chú ý ăn đủ chất và tránh áp dụng chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo, vì sẽ làm cho cơ thể thiếu chất gây suy yếu hệ miễn dịch. Người cao tuổi cũng nên chủ động bổ sung đủ 1,5-2 lít nước hằng ngày. Môi trường sinh hoạt trong gia đình nên thông thoáng, thường xuyên mở cửa sổ, tránh sử dụng điều hòa.