Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương (TW) Đảng, Chủ tịch UBTU Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức chính trị- xã hội; hội đoàn thể Trung ương; đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà khoa học, lãnh đạo hội nông dân các tỉnh, thành phố và 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 đã tới dự buổi lễ.
Các nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021
Đây là lần thứ 9, chương trình đã trao tổng cộng gần 700 danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc cho nông dân trong cả nước.
Những cái nhất
Trong số 143 hồ sơ, Ban tổ chức chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021 đã tuyển chọn 63 nông dân xuất sắc, ở 63 tỉnh thành trong cả nước. Đây đều là những người xứng đáng. Họ có thể không mang về thu nhập cao nhất, cũng như không có được thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp, nhưng họ đều là những tấm gương biết vượt khó vươn lên và có tầm ảnh hưởng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng, nhất là trong hoàn cảnh rất khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng bởi đại dịch Covid-19.
Bà Hoàng Thị Gái, ở Hải Phòng có diện tích trồng lúa, rau màu lớn nhất, đến hơn 100 ha; ông Nguyễn Văn Mọi, 73 tuổi vẫn miệt mài lai tạo để có được giống nho, vườn nho ngon nức tiếng tại vùng đất khô cằn Ninh Thuận; ông Lường Văn Bình, 34 tuổi, ở Hòa Bình vừa lãnh đạo Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, vừa làm tốt nhiệm vụ trưởng tổ an ninh, bảo vệ bình yên thôn bản; ông Đinh Ngọc Khương, ở Bình Dương vừa trồng cây ăn quả, cây cao su, vừa nuôi gà giống, gà thịt, cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, doanh thu hơn 90 tỉ đồng/năm; ông Đặng Văn Bảy, ở Bến Tre, nuôi tôm trên diện tích 25 ha, mỗi năm xuất bán 400 tấn tôm thương phẩm, cho hiệu quả kinh tế lên đến 25 tỉ đồng; ông Lê Văn Đạt, ở Bà Rịa - Vũng Tàu làm nghề sản xuất - kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động và 700 - 800 lao động thời vụ…
Lan tỏa hình mẫu người nông dân mới
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư TW Đảng, Chủ tịch UBTU Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khẳng định: "Đảng, Nhà nước ta luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Bởi vậy, đầu tư phát triển toàn diện, bền vững nông nghiệp, nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó phát huy cao vai trò chủ thể của nông dân…"
Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch UBTU Hội Nông dân Việt Nam, nhấn mạnh: "Vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc là tôn vinh công sức, tài năng, đạo đức, sự sáng tạo của người nông dân vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh và bảo vệ tổ quốc… Đây chính là những tấm gương hiện hữu, điển hình để Hội Nông dân Việt Nam nghiên cứu, xây dựng mẫu người nông dân mới, người nông dân văn minh."
Muốn đi đường dài phải đi cùng nhau
Đại diện Nông dân Việt Nam xuất sắc cho biết: "Nông dân ngày nay nhận thức rõ rằng muốn đi đường dài, đi được xa thì phải đi cùng nhau. Đã qua rồi cái thời "đèn nhà ai người nấy rạng", chỉ bo bo làm, ăn một mình".
Ông Lê Văn Quyết, ở Đồng Nai rất thấm thía điều này, ông cho biết: "Qua 20 năm nuôi con gà trắng, không khá lên được; đến lúc liên doanh với Công ty KV của Nhật - Úc và Công ty DeHeus của Hà Lan thì kết quả khác hẳn. Chúng tôi phải thành lập HTX với 17 thành viên chính thức và 7 thành viên liên kết để có vốn, có kỹ thuật và có đủ lượng gà thương phẩm xuất khẩu, tới 30.000 con/ngày, lại phải đồng đều về chất lượng, trong khi tất tật riêng tôi chỉ nuôi được 400.000 con/lứa; bù lại bất kể khi giá thị trường nội địa xuống tới 6.000 - 7.000 đồng/kg, tôi vẫn xuất bán cho liên doanh với giá từ 25.000 đến 28.000 đồng/kg. Tôi và tất cả thành viên trong HTX đều có lợi. Nông dân bây giờ không liên doanh, liên kết với nhau theo chuỗi giá trị toàn cầu thì không làm được gì cả, suốt đời nghèo khó thôi".
Bà Hoàng Thị Gái, ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng nhanh nhạy nắm bắt tình trạng bỏ ruộng hoang của nhiều nông dân trong vùng, lại có chí làm ăn lớn, bà thuê lại ruộng của nông dân, thời hạn 10 năm với giá 1 triệu đồng/năm/mẫu. Nhiều người đồng ý giao ruộng vì có nghề phụ, hoặc đi làm nghề thủ công ăn lương, nhưng cũng không ít người băn khoăn sợ mất ruộng, không có việc làm. Bà Gái phải vận động, hứa tạo việc làm cho họ với 170.000 đồng/ngày công… rất chật vật, cuối cùng bà cũng gom được hơn 100 ha ruộng, gần 100 lao động thường xuyên. Có ruộng rộng, có nhân công, bà triển khai kế hoạch mỗi năm trồng 2 vụ đậu tương và 1 vụ lúa. Khi được hỏi số lời thu được mỗi năm, bà chỉ cười: "Tạm tạm anh ạ!".
Bình Điền đồng hành cùng chương trình
Ông Võ Văn Phu (thứ 2 từ phải qua) – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền nhận kỷ niệm chương của chương trình
Từ suy nghĩ của Tổng giám đốc, Công ty CP Phân bón Bình Điền là muốn có một phần thưởng danh dự dành tặng nông dân, năm 2013, được sự tán đồng của TW Hội Nông dân Việt Nam, danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc đã ra đời. 9 năm qua, Bình Điền luôn là đơn vị tài trợ chính duy nhất, đồng thời là đơn vị đồng tổ chức các hoạt động của chương trình. Phục vụ nông dân, vì một nền nông nghiệp phát triển hiện đại và bền vững là trách nhiệm - Công ty CP Phân bón Bình Điền tự hào về điều đó.