Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành BHXH vừa diễn ra, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), nhận định một trong những kết quả đáng ghi nhận là số người tham gia BHXH, BHYT đều tăng trưởng tích cực.
BHXH nỗ lực "vượt khó"
Tính đến hết tháng 6-2022 có 16,822 triệu người tham gia BHXH, đạt 87,7% kế hoạch, tương đương 34% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 81.700 người so với tháng trước, tăng 275.500 người (4,3%) so với cuối năm 2021. Riêng số người tham gia BHYT giảm so với cùng kỳ và giảm so với thời điểm cuối năm 2021 nhưng vẫn tăng 280.000 người so với tháng trước. Hiện toàn quốc đã có 86,538 triệu người tham gia BHYT, đạt 94,3% kế hoạch và đạt tỉ lệ bao phủ 88,66% dân số.
Số thu BHXH, BHYT cũng đạt hiệu quả cao, lũy kế từ đầu năm đến nay lên 199.289 tỉ đồng, đạt khoảng 46,2% kế hoạch được giao, tăng 4.278 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT cải thiện đáng kể, với 20.920 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,9% số phải thu, giảm 3.656 tỉ đồng so với tháng trước và giảm 265 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, ông Hào cũng nhận định tỉ lệ bao phủ BHXH, BHYT tăng chậm, nhất là BHYT vẫn giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2021. Một trong những nguyên nhân do dịch bệnh, mức giá sinh hoạt tăng cao đã ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của người dân; bên cạnh đó là sự thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện trong năm 2022. Nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH, BHYT với số tiền lớn và thời gian kéo dài... Việc thu hồi số tiền hưởng BHXH, trợ cấp thất nghiệp sai quy định còn khó khăn, khi đối tượng hưởng sai không có thu nhập, không có khả năng hoàn trả hoặc cố tình không thực hiện trách nhiệm hoàn trả mà không có chế tài để xử lý.
Cán bộ BHXH tỉnh Hà Tĩnh đến chợ vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện Ảnh: BHXH Hà Tĩnh
Ông Hào đánh giá hiện nay BHXH các địa phương đã có nhiều nỗ lực, với nhiều mô hình, cách làm hay nên đã khắc phục được các khó khăn này. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã xây dựng, triển khai các kịch bản tổ chức thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời các địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp xã; đề xuất ngân sách địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình… Ngoài ra, toàn ngành cũng đẩy mạnh rà soát dữ liệu người chưa tham gia trên cơ sở dữ liệu cơ quan thuế cung cấp; từ đó xây dựng kế hoạch theo tuần, tháng, quý để đôn đốc doanh nghiệp tham gia đầy đủ. Cập nhật, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT theo từng địa bàn cấp xã; phối hợp với các tổ chức, đại lý thu tổ chức hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia...
Đồng hành cùng người lao động
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã giải quyết 38.810 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 590.844 người hưởng trợ cấp một lần (trong đó 481.677 người nghỉ việc rút BHXH một lần); giải quyết 5.998.841 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản... Phối hợp với ngành LĐ-TB-XH giải quyết cho 443.457 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 434.162 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 9.295 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.
Theo ông Thọ, việc giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động tăng 47,42% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do số lượng đề nghị giải quyết chế độ cho người lao động mắc Covid-19 tăng. Từ năm 2021 đến ngày 24-6-2022, có tổng số 2.318.567 lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau do Covid-19, với tổng số tiền 3.081 tỉ đồng.
Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị và BHXH các địa phương cần nắm chắc, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành "từ sớm, từ xa" đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với việc xây dựng các quy trình, quy chế; cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
"Toàn ngành phối hợp với các cấp, ngành giải quyết đồng thời, hài hòa 2 vấn đề quan trọng: vừa bảo đảm đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng vừa kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ; bảo đảm hiệu quả, an toàn và tối ưu nguồn Quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp".
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam