Hội nghị là dịp để những người quan tâm đến dạy học ngoại ngữ có thể kết nối, trao đổi và cùng tiếp cận những thông tin về sự phát triển của lĩnh vực giảng dạy và khảo thí tiếng Anh trên thế giới, đồng thời bàn luận và đề xuất những hướng đi mới cho việc đào tạo tiếng Anh trong tương lai. Tham dự hội nghị có hơn 400 đại biểu là các học giả, chuyên gia ngôn ngữ và nhà hoạch định chính sách tới từ 12 quốc gia.
Hội nghị diễn ra với chủ đề Tương lai của Khảo thí tiếng Anh trong các Hệ thống Giáo dục
Trong bài chia sẻ với chủ đề "Tương lai của hệ thống học tập Ngôn ngữ Anh: Sự tổng hòa của những mảnh ghép riêng biệt", bà Mina Patel đã khẳng định vai trò không thể thay thế của người giáo viên trong lĩnh vực giáo dục Tiếng Anh. Cuộc cách mạng 4.0 đã tạo ra những công nghệ có khả năng vượt trội, như trong đào tạo ngoại ngữ, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning)... có thể thay thế dần sức người để sửa lỗi phát âm, ngữ pháp, gợi ý cách diễn đạt phù hợp... Đây là một tín hiệu tích cực. "Công nghệ đã giúp nhiều sinh viên học ngoại ngữ một cách dễ dàng hơn với chi phí phải chăng hơn. Tôi tin rằng đây là một sức mạnh to lớn của công nghệ mà ai cũng có thể tận dụng để phát triển kĩ năng Tiếng Anh của chính mình" - bà Mina khẳng định.
Mina Patel - Giám đốc Nghiên cứu Dự án "Tương lai của Tiếng Anh", Hội đồng Anh, phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, cũng chính trong kỉ nguyên số hóa, vai trò của người thầy càng cần thiết hơn bao giờ hết bởi chính họ là người "thổi hồn" vào ngôn ngữ, giúp học sinh mường tượng rõ nhất tính ứng dụng của ngôn ngữ trong cuộc sống đời thường. Do đó, theo vị chuyên gia này, công nghệ dù phát triển đến đâu thì "việc học ngôn ngữ vẫn cần sự tiếp xúc trực tiếp với con người mà không bị chia rẽ hoặc gián đoạn bởi các can thiệp kĩ thuật số". Ý kiến này nhận được nhiều đồng tình từ các học giả tham dự hội nghị. Ông Mark Walker, Giám đốc Toàn cầu về Đào tạo Tiếng Anh và Khảo thí, Hội đồng Anh - tán đồng quan điểm đó bằng lời khẳng định: "Giáo viên sẽ tiếp tục là trọng tâm của việc học tiếng Anh, ngay cả khi đối mặt với sự gia tăng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học".
Cũng từ đây, các đại biểu tham dự đã cùng chia sẻ các ý tưởng để giữ vững và nâng cao vai trò của giáo viên trong việc đào tạo Tiếng Anh. Quan điểm chung là: để giữ vững được vị thế của người truyền tải tri thức, đồng thời tận dụng ưu thế của cuộc cách mạng công nghệ, mỗi giáo viên cần có những điều chỉnh mạnh mẽ trong phương pháp đào tạo Tiếng Anh, nếu không muốn nói là phải có một "cuộc cách mạng" về tư duy dạy và học. Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Đổi mới, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội lấy ví dụ: "Các thầy cô không nên chỉ yêu cầu "hãy nói 1 câu tiếng Anh về chủ đề này" mà cần hướng dẫn học sinh phân tích, tổng hợp nguồn thông tin mà các em lấy được. Từ đó, chúng ta khéo léo biến học sinh trở thành những "smart users" (người dùng thông minh - PV) trong kỉ nguyên số".
Với vị thế là đơn vị hàng đầu về đào tạo tiếng Anh, trong thời gian qua Hội đồng Anh đã tăng cường hợp tác với các nhà trường tổ chức các khóa học, chia sẻ tài liệu, trao tặng học bổng nhằm phát triển kĩ năng chuyên môn, bao gồm cả kĩ năng công nghệ cho giáo viên ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, việc cập nhập những xu thế kiểm tra và đánh giá Tiếng Anh mới cũng được cộng đồng sư phạm quan tâm. Bên cạnh xu thế quen thuộc là Globalisation (toàn cầu hóa) - xây dựng bài kiểm tra theo các tiêu chuẩn nước ngoài, một xu thế mới đang thịnh hành ở Châu Á trong thời gian gần đây là Localisation (bản địa hóa).
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh giải thích: "Có thể hiểu Localisation tức là "xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp với bối cảnh". Sở dĩ các bài thi Tiếng Anh cũng cần "bản địa hóa" là để có những điều chỉnh để phù hợp với văn hóa, phương thức, điều kiện sử dụng trong nước, từ đó phát huy tốt nhất hiệu quả học tập và năng lực của mỗi cá nhân".
Thông qua đó, Hội đồng Anh sẽ tiếp tục tham gia hỗ trợ để xây dựng, triển khai và đánh giá những chính sách giáo dục ngôn ngữ hiệu quả tại Việt Nam, qua đó vừa phát huy tốt nhất năng lực của người học, vừa tận dụng tối đa các ưu thế của hệ thống giáo dục.