Tuy nhiên, đây là bộ tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng của các thành viên tham gia Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, không bắt buộc áp dụng đối với tất cả sản phẩm nước mắm trên thị trường, trừ khi được cơ quan chức năng đưa vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với mặt hàng này.
Thông tin trên được một thành viên Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam chia sẻ với báo chí trước thềm đại hội thành lập hiệp hội bầu ra ban lãnh đạo chính thức vào ngày 27-10 tới tại Hà Nội.
Đến nay, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đã có 117 hội viên đăng ký tham gia, trong đó 102 hội viên là doanh nghiệp, 15 hội viên cá nhân ở 20 tỉnh thành trên cả nước.
Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – thành viên Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, để phân biệt nước mắm truyền thống và các sản phẩm khác, hiệp hội sẽ có bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống phát triển từ bộ tiêu chuẩn cùng tên của CLB Nước mắm truyền thống thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), CLB này là "tiền thân" của Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam.
"Pháp luật quy định các Hiệp hội ngành nghề được phép ban hành tiêu chuẩn sản phẩm cho ngành nghề mình. Những sản phẩm đáp ứng tiêu chí của bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống sẽ được sử dụng logo của hiệp hội. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này là tự nguyện áp dụng, nên những sản phẩm khác trên thị trường không bắt buộc phải thực hiện, họ chỉ cần tuân thủ theo quy định của pháp luật." – bà Vũ Kim Hạnh giải thích.
Nước mắm truyền thống hồi sinh mạnh mẽ trong những năm gần đây
Bà Ong Thị Kim Ngân, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH khai thác hải sản và chế biến nước mắm Thanh Hà (Phú Quốc, Kiên Giang – thương hiệu nước mắm được xuất khẩu sang châu Âu từ năm 1998), thông tin thêm một số tiêu chuẩn cơ bản để được dán nhãn "nước mắm truyền thống" là: chỉ tiêu độ đạm tối thiểu là 15, không sử dụng phụ gia thuộc các nhóm: phẩm màu, hương liệu, chất tạo sánh và chất bảo quản.
Về tình hình kinh doanh của nước mắm truyền thống, bà Kim Ngân cho hay những năm gần đây tăng trưởng tại thị trường nội rất nhanh. "Khi bị nước mắm công nghiệp "đánh", nước mắm truyền thống không những không bị triệt tiêu mà còn có cơ hội hồi sinh do người tiêu dùng có dịp nhìn nhận về 2 loại nước mắm trên thị trường. Khoảng 5 năm trước, nước mắm Thanh Hà xuất khẩu chiếm đến 90% sản lượng của doanh nghiệp và xuất khẩu tăng trưởng đều qua các năm nhưng đến nay chỉ còn chiếm 60% cho thấy nước mắm truyền thống tại thị trường nội địa phát triển rất nhanh. Đây không phải là chuyện cá biệt của nước mắm Thanh Hà, mà là bức tranh chung của ngành nước mắm truyền thống. Tuy vậy, để tiếp tục phát triển, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống phải liên kết lại, không thể rời rạc như trước." – bà Kim Ngân nhìn nhận.