Sau gần 50 năm ra mắt, video game tiếp tục thu hút nhiều người dùng mới hằng ngày. Theo ước tính của nhà nghiên cứu Mỹ Jane McGonigal thuộc cơ quan tư vấn phi lợi nhuận Institute for the Future, mỗi tuần cư dân trên thế giới tiêu tốn 3 tỉ giờ với video game. Theo Viện Nghiên cứu thị trường NPD, thời gian này tăng thêm 10% mỗi năm.
Trang tin công nghệ #TECH24 thuộc Đài Truyền hình Pháp France24 cho rằng những sáng tạo trong video game ảnh hưởng đến cách nhìn nhận và hiểu biết của con người về thế giới. Trước hết, trong nhiều trường hợp, nó đưa chúng ta chìm trong bối cảnh thực tế, cho phép chúng ta qua nhân vật thể hiện quan điểm về thế giới hiện hữu và gửi đi một thông điệp nào đó. #TECH24 nêu thí dụ như game Assassin’s Creed của hãng Ubisoft, tạo điều kiện để hợp nhất (unity) người chơi cùng với 5.000 nhân vật khác nhau, sống lại thời Cách mạng Pháp. Hoặc game Soldats Inconnus cho phép người chơi đắm mình trong sự hãi hùng của thế chiến I một cách rất hiện thực, rút ra bài học cho mình và chia sẻ với nhân vật khác.
Đôi khi những thủ lĩnh chính trị cũng được đưa vào game như nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong Glorious Leader do hãng Moneyhouse Games phát triển. Có khi chính quyền cổ vũ và can thiệp tài chính vào các nhà phát triển game vì lợi ích quốc gia. Mỹ đang tài trợ cho dạng game giống như America’s Army nhằm thể hiện quan điểm của Mỹ trước thế giới về vấn đề tuyển dụng, đào tạo và phòng vệ của quân đội trong bối cảnh có xung đột.
Bên cạnh đó, nhiều trò chơi điện tử mới mang tính hòa bình. Đồng chủ tịch tổ chức phi chính phủ Games for Change tại châu Âu, ông Jean-Michel Blottier, cho biết phong trào cùng tên này khuyến khích những thay đổi tích cực về đạo đức xã hội thông qua các trò chơi kỹ thuật số. Trong định hướng tương tự, game PeaceMaker do Impact Games của Mỹ phát triển gửi đi thông điệp hòa bình. Loạt trò chơi mới do Thụy Điển khởi xướng mang tên Democreativity nhằm bảo vệ hòa bình và những giá trị dân chủ trên thế giới.