Thể thao điện tử (eSports) của Việt Nam đang dần khẳng định hình ảnh, vị trí là một ngành thể thao giải trí chuyên nghiệp, lành mạnh. Bên cạnh đó, eSports cũng thu hút các doanh nghiệp trong nước và các hãng công nghệ thông tin tên tuổi đầu tư lớn vào ngành này càng khẳng định xu thế eSports sẽ trở thành ngành công nghiệp nội dung số có giá trị cao.
Thay đổi góc nhìn về trò chơi trực tuyến
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM, Nhà tập luyện thể thao Phú Thọ và Công ty CP eSports đã đầu tư khoảng 5 tỉ đồng xây dựng và đưa vào hoạt động Câu lạc bộ (CLB) eSports Aces Gaming. Đây là CLB eSports chính thức đầu tiên tại Việt Nam với 6 phòng máy tính tốc độ cao phục vụ cho các vận động viên (VĐV) tập luyện, thi đấu các giải trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, CLB còn trang bị một thư viện lưu trữ nhiều tư liệu để VĐV tham khảo, học tập kinh nghiệm thi đấu của các đội tuyển, VĐV giàu thành tích trên thế giới để nâng cao kỹ năng thi đấu. Các VĐV được tuyển chọn vào CLB sẽ được đào tạo bài bản, tập thể lực và hướng dẫn về văn hóa ứng xử thi đấu để đại diện cho eSports TP HCM tham dự các giải đấu trong nước và quốc tế. Đây cũng là tiền đề để VĐV eSports Việt Nam bước vào con đường chuyên nghiệp. “Việc ra đời của CLB đánh dấu một sự thay đổi cách nhìn của xã hội đối với trò chơi giải trí trực tuyến (game online). eSports tại Việt Nam đã đến lúc phải được tổ chức chuyên nghiệp và phát triển theo xu thế hòa nhập với quốc tế” - ông Dương Vi Khoa, Giám đốc Công ty eSports Việt Nam, đánh giá.
Bà Nguyễn Ngọc Thủy, quản lý quan hệ đối tác Công ty CP Phát triển Thể thao điện tử Việt Nam (VED), cho biết: “Năm 2012, ở Việt Nam, VED đã ra mắt trò chơi Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) và FIFA Online 3 vào năm ngoái. VED cũng thành lập và đào tạo hàng loạt các đội tuyển như: Saigon Jokers, Saigon Fantastic Five, Hải Anh Dragons, Hà Nội Phoenix, mời huấn luyện viên Hàn Quốc và áp dụng giáo án tập luyện của nước ngoài. Tháng 9-2012, đội tuyển Saigon Jokers vô địch Đông Nam Á bộ môn LMHT và giành hạng 9 thế giới tại vòng chung kết thế giới 2012; đoàn eSports Việt Nam giành huy chương đồng tại Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á tháng 7-2013 ở Hàn Quốc… Đến nay, VED đã tổ chức hơn 3.000 giải đấu tại Việt Nam.
Thu hút đầu tư lớn
Mặc dù còn khá non trẻ song có thể thấy gần đây eSports Việt Nam bắt đầu thu hút đầu tư trong và ngoài nước, hứa hẹn sẽ trở thành ngành công nghiệp nội dung số mang lại giá trị cao. Hàng loạt giải đấu chuyên nghiệp đã được tổ chức quy mô với Giải thưởng lớn, tiêu biểu như giải Thể thao quốc tế 2014 tại TP HCM vào tháng 4-2014 với tổng giải thưởng trị giá hàng tỉ đồng. Aces Gaming đang đầu tư cho 5 đội tuyển thi đấu 5 bộ môn: FIFA Online 3, World of Tanks, Counter Strike, Warface, Dota 2. Các VĐV trong các đội tuyển đang lên kế hoạch tập luyện hằng ngày, đồng thời tham gia thi đấu qua internet với các đội tuyển trong khu vực Đông Nam Á. VED cũng đã đào tạo 4 đội tuyển LMHT chuyên nghiệp thi đấu tại các giải đấu lớn của khu vực (Garena Premier League) hay nội địa (Dell Championship Serie A). Bên cạnh VED, rất nhiều tổ chức khác ở Việt Nam cũng sở hữu các đội tuyển chuyên nghiệp ở bộ môn Dota 2, Freedom ở bộ môn Đột kích…
Ngoài ra, qua các giải đấu, các tập đoàn lớn như: Intel, Dell, WD, SteelSeries, Gigabyte, nVidia, LG… đã quan tâm tài trợ và đầu tư cho VĐV, góp phần đưa eSports dần trở thành một nghề ổn định tại Việt Nam.
Dù vậy, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, mức độ đầu tư cho eSports Việt Nam hiện vẫn còn rất ít ỏi. Theo ông Lê Hải Bình - Chủ tịch HĐQT Mắt Bão Group, nhà đầu tư 66% vốn vào Aces Gaming - sắp tới, Mắt Bão Group và các cổ đông sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư thêm 1,3 triệu USD cho 5 trung tâm tại
TP HCM, Biên Hòa (Đồng Nai), Cần Thơ và sẽ bắt đầu nhượng quyền thương hiệu. “So với các cuộc thi eSports quốc tế, chúng tôi thấy VĐV Việt Nam chịu thiệt thòi vì thiếu các điều kiện tập luyện theo chuẩn quốc tế. Vì vậy, Mắt Bão Group đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực khá mới mẻ này với hy vọng giải được “cơn khát” nhu cầu về một sân chơi, rèn luyện cho VĐV và người hâm mộ eSports hiện nay” - ông Bình cho biết.
Tín hiệu khả quan
GS-TS Dương Nghiệp Chí - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Phó Chủ tịch Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam (VIRESA) - cho biết: “Nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh là tín hiệu khả quan đưa eSports Việt Nam thành ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào phát triển thể thao. Ngày càng có nhiều trung tâm eSports ra đời, không phải chỉ để tập luyện và thi đấu quốc tế mà còn quan trọng hơn là rèn luyện VĐV, người chơi, tạo sân chơi lành mạnh, đáp ứng nhu cầu có thật của xã hội và gia đình.