Thị trường game di động (mobile game) Việt Nam đang “nóng” dần với hằng trăm studio (xưởng) lớn nhỏ mọc lên và sự tham gia của hàng chục hãng game trong nước. Điều đó cho thấy thị trường mobile game Việt Nam đã và đang xoay quanh trọng tâm là phát triển các game cho di động. Thống kê của nhà làm game Việt - hãng mWork - cho thấy trong năm 2014, ngành công nghiệp mobile game của Việt Nam có thể đạt giá trị khoảng 210 triệu USD.
Thị trường khởi sắc
Mức doanh thu được dự đoán khoảng 1 tỉ đồng/ngày từ quảng cáo trong game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông (trình làng vào đầu năm 2014) đã chứng minh cách biệt giữa mobile game Việt Nam với thế giới không còn nhiều.
Sau Flappy Bird, một mobile game khác của Việt Nam là School Cheater cũng tiếp tục gây tiếng vang lớn khi lọt vào tốp 11 game xuất sắc tại Giải Vô địch Phát triển game thế giới 2013. Gần đây nhất, Kungfu Master, một mobile game của các bạn trẻ tại Tofu Game Studio (TP HCM), đã có hơn 1 triệu lượt tải và hơn 30.000 lượt bình chọn đánh giá 5 sao trên Google Play.
Dạo một vòng qua các kho ứng dụng như Google Play, Apple App Store hiện nay, chúng tôi nhận thấy hàng chục mobile game lớn nhỏ khác nhau do các nhà phát triển của Việt Nam đưa lên. Hầu hết các game này là giải trí, thư giãn; số ít là game hành động, nhập vai… với quy mô lớn về đồ họa và cách chơi. Các game này do hàng trăm lập trình viên tự do, hàng chục phòng game, hãng game lớn phát triển. Số lượng game ngày càng tăng mạnh, chất lượng cũng khá tốt so với vài năm trước.
Gần đây, hàng chục nhà phát triển game tên tuổi tại Việt Nam như VNG, VTC, FPT, Soha Game, MeCorp, MC Corp, CMN Online… đã tuyên bố nhảy vào thị trường và giới thiệu hàng loạt trò chơi mới. Các nhà mạng viễn thông và các hãng game nước ngoài cũng giới thiệu nhiều mobile game được phát triển tại Việt Nam lên những kho ứng dụng di động lớn.
Ông Đạt Nguyễn, Giám đốc kinh doanh game di động của Google tại Việt Nam, cho biết: “Thị trường di động Việt Nam xếp thứ hai thế giới về tốc độ tăng trưởng, đạt 269% với 17 triệu thiết bị. Ngoài ra, các kho ứng dụng App Store của Apple, Google Play của Google xuất hiện đã tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ, studio, doanh nghiệp làm game. Tuy nhiên, vai trò của nhà sản xuất và phát hành game nội địa vẫn chiếm vị trí quan trọng để mobile game thành ngành công nghiệp”.
Thách thức về nhân sự
Có thể thấy ngành công nghiệp mobile game đang phát triển khả quan. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây chỉ mới là bước khởi đầu và còn nhiều rào cản.
Theo các nhà làm game, Việt Nam hiện chưa có ngành đào tạo về mobile game chính quy. Rất ít trường đại học, trung tâm đào tạo có chuyên ngành riêng về mobile game nên nguồn nhân lực đa phần lấy từ các ngành công nghệ thông tin khác, sau đó phải đào tạo lại.
Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG, nhìn nhận: “Thách thức hiện nay nằm ở đội ngũ nhân sự. Muốn phát triển thị trường mobile game thì không thể phụ thuộc vào một vài cá nhân (như trường hợp Nguyễn Hà Đông) mà phải tập hợp thành nhóm để thực hiện các dự án. Việc phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự không đơn giản, phải cần một quá trình lâu dài từ duy trì nhiệt huyết đến quy trình phát triển sản phẩm”.
Trước tình hình này, ông Lê Giang Anh, CEO Joy Entertainment JSC tại TP HCM, cho biết: “Chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng tuyển dụng là các lập trình viên trẻ biết làm game; định hướng lại thị trường, phát triển thêm game 3D, game trực tuyến. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư, tập trung phát triển các game có nội dung chuyên sâu và dài hơi chứ không chỉ các game nhỏ”.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành ZoyGame, hiện nay, số đơn vị bỏ tiền sản xuất mobile game thuần Việt không hiếm nhưng đa phần phải tồn tại bằng những dự án ngắn hạn hoặc gia công cho các hãng nước ngoài. “Khó khăn chủ yếu là do sự thiếu kinh nghiệm, kỹ năng chuyên nghiệp của người làm game. Phần lớn doanh nghiệp, studio làm mobile game vẫn ở quy mô vừa và nhỏ; số doanh nghiệp lớn có khả năng đầu tư mạnh, mạo hiểm chưa nhiều” - ông băn khoăn.
Cần chính sách quản lý linh hoạt
Theo ông Phạm Công Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ số FPT, chính sách quản lý chưa bắt kịp tốc độ phát triển của ngành mobile game, điều này khiến cho việc quản lý trở nên khó khăn hơn. Các doanh nghiệp tìm cách lách luật để hoạt động chứ không phải cơ quan quản lý “thả lỏng”.
“Cách duy nhất để giúp mobile game Việt Nam cạnh tranh với nước ngoài là cơ chế quản lý, cấp phép phải linh hoạt. Ở nước ngoài, các doanh nghiệp tự sản xuất và phát hành mobile game, chính phủ chỉ lo khâu hậu kiểm và cấp phép một lần. Vòng đời của một mobile game rất ngắn, chỉ 3-6 tháng và biến mất sau 1 năm. Với thời gian cấp phép từ 1-2 tháng như hiện nay, mobile game Việt chưa kịp ra thì mobile game ngoại đã chiếm thị trường” - ông Hoàng băn khoăn.