Trang Irish Examiner dẫn một nghiên cứu được thực hiện ở 10 nước gần đây cho biết cứ 3 trẻ trong độ tuổi 5-12 thì có 1 em được chơi chưa tới 30 phút/ngày ở ngoài trời. Lượng thời gian này khá là thiệt thòi cho sự phát triển của trẻ bởi nếu so sánh, tù nhân Mỹ còn được phép ở ngoài trời 2 giờ/ngày.
Sân chơi trong nhà lên ngôi
Kênh Channel News Asia (CNA) hồi cuối tháng 7 dẫn một nghiên cứu khác ở Singapore chỉ ra "chơi trong nhà" hiện đã là khái niệm quen thuộc với trẻ em độ tuổi 8-12.
Ngoài việc bị quá trình đô thị hóa tước mất chỗ vui chơi, trẻ em còn bị giữ chân trong nhà vì điện thoại thông minh và máy tính. Đáng nói là tình trạng ở trong nhà trung bình 3 giờ/ngày và thói quen chơi game góp phần làm trẻ béo phì. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, khoảng 40% trẻ học cấp 1 ở các vùng đô thị đang bị xem là béo phì.
Thiếu sân chơi cho trẻ em cũng là tình trạng chung ở Việt Nam, đồng thời lại tạo đà phát triển cho một giải pháp của giới đầu tư tư nhân: Sân chơi trong nhà. Loại hình giải trí này có thể "chung sống" trong các trung tâm thương mại đang mọc lên như nấm hoặc dọc theo các tuyến đường lớn. Sau chuyến đi thực tế, phóng viên Tạp chí Nikkei (Nhật Bản) ghi nhận không chỉ trẻ em mà cả những bậc phụ huynh trẻ tuổi cũng rất mê sân chơi trong nhà vì vừa giúp con họ có chỗ chơi vừa cách xa môi trường bụi bặm và giao thông nguy hiểm bên ngoài.
Chơi nhà banh tại một khu vui chơi tiNiWorld Ảnh: NIKKEI
Đi đầu lĩnh vực sân chơi trong nhà ở Việt Nam hiện nay phải kể đến tiNiWorld, tổ hợp vui chơi giải trí của Công ty N Kid. Với 24 cơ sở trên khắp cả nước - bao gồm TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều TP khác - mô hình tiNiWorld thường chia thành 3 khu vực chính: Một là khu vận động, bao gồm khu leo trèo, nhà banh…; hai là khu trò chơi mô phỏng trên máy tính, cho phép trẻ chơi các trò lái xe và máy bay thực tế ảo; khu vực thứ ba dành cho trẻ "nhập vai", khám phá nghề nghiệp yêu thích. Chị Nguyễn Kim Anh kể chị thường đưa cô con gái 4 tuổi đi chơi ở tiNiWorld nằm trong trung tâm mua sắm Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội mỗi cuối tuần. "Chỗ này sạch sẽ và bạn không phải lo chuyện tai nạn giao thông hay bắt cóc" - chị giải thích với Nikkei.
Ngày càng mở rộng
Tại TP HCM, ngoài tiNiWorld còn có nhiều khu vui chơi trong nhà khác như khu Samworld rộng 2.000 m2 ở quận Gò Vấp. Nhiều phụ huynh đưa con đến đây thư giãn sau giờ học. Hiện Samworld mới có một khu nhưng đã lên kế hoạch mở rộng. Đem lại cảm giác khác lạ hơn là Snow Town ở quận 2. Đây được xem là khu vui chơi có tuyết nhân tạo lớn nhất ở Đông Nam Á. Với diện tích 4.000 m2, cả trẻ nhỏ và người lớn vào đây có thể trượt tuyết, làm người tuyết hoặc chơi các game thực tế ảo 3D.
Góp mặt vào cuộc đua còn có các tên tuổi nước ngoài mà nổi bật nhất là tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản). Theo Nikkei, Aeon sẽ tăng tốc mở thêm nhiều khu vui chơi trong nhà ở châu Á. Trong đó, Đông Nam Á "lọt vào mắt xanh" nhờ ưu thế dân số trẻ, trẻ em chào đời nhiều và thu nhập tăng.
Trong 3 năm tới, Aeon Fantasy - công ty điều hành các khu vui chơi trẻ em của Aeon - dự kiến mở 370 địa điểm ở nước ngoài, tăng khoảng 50% nếu so với 3 năm trước đó (tính tới năm 2016). Cụ thể, tại Trung Quốc sẽ có thêm 200 điểm mới ra đời bên cạnh 165 khu hiện nay, ở Thái Lan từ 30 lên 45 khu... Ngoài các trung tâm mua sắm của chính Tập đoàn Aeon, Aeon Fantasy còn mở khu vui chơi tại các trung tâm thương mại địa phương như của Tập đoàn SM tại Philippines.
Chủ tịch Aeon Fantasy, ông Nao Kataoka, cho hay sẽ sử dụng nhiều thiết bị độc quyền tại các cơ sở của mình. Hiện tại, 27% thiết bị ở Aeon là độc quyền và con số này dự kiến tăng lên thành 40% trong 3 năm tới.