Ngày nay, việc tổ chức họp mặt bạn bè, kỷ niệm những dịp đặc biệt, thậm chí gặp gỡ đối tác tại các quán ăn, nhà hàng dần trở thành nét văn hóa của người Việt, nên không có gì lạ khi các nhà hàng, quán ăn đua nhau mọc lên như nấm. Một chuyên gia về dự báo phát triển nguồn nhân lực nhận định: “Đây dường như là thời đại của các đầu bếp”.
Lắm gian truân
Sự tăng trưởng của du lịch kéo theo sự phát triển của hệ thống các nhà hàng, khách sạn - resort. Điều này càng làm nổi lên vấn đề “khát” nhân lực ngành bếp. Để trở thành một đầu bếp thực thụ, chúng ta không chỉ cần sự đào tạo bài bản mà còn phải có lòng đam mê và sáng tạo không ngừng nghỉ.
Hiệu trưởng một trường trung cấp nghề cho biết cũng như nhiều nghề khác, nghề bếp xưa nay luôn có những thử thách vô cùng khó khăn cần người đầu bếp phải dũng cảm vượt qua. Đầu tiên chính là về yếu tố chuyên môn. Nếu người đầu bếp không vững chuyên môn thì họ khó có thể tạo ra những món ăn ngon hấp dẫn thực khách. Doanh thu của nhà hàng, khách sạn sẽ giảm và tất nhiên người đầu bếp đó khó mà giữ được việc. Chính vì vậy, những người quyết tâm theo nghiệp đầu bếp dù đã ra nghề họ vẫn luôn học hỏi để hoàn thiện chuyên môn của bản thân mình. Gian nan thứ hai cũng không kém phần hóc búa của người đầu bếp khách sạn chính là sức khỏe. Người đầu bếp đòi hỏi hoạt động tay chân rất nhiều và phải linh hoạt, nhanh nhạy xử lý tình huống bất ngờ. Ngoài ra nếu mang bệnh tật trong người, đầu bếp cũng không thể trực tiếp chế biến món ăn cho thực khách vì có thể khiến họ bị lây nhiễm. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và có thể làm mất uy tín của cả khách sạn.
Không chỉ có thế, người đầu bếp khách sạn, nhà hàng lớn có vô vàn gian truân đó chính là áp lực công việc, nhất là những lúc khách đông, thiếu nguyên liệu, chưa nấu xong mà khách thúc giục… Vì vậy, làm đầu bếp đòi hỏi phải có tinh thần thật vững vàng, kỹ năng xử lý tình huống tốt nếu không sẽ luôn gặp căng thẳng làm ảnh hưởng đến chất lượng món ăn và nhất là sức khỏe của chính đầu bếp.
Ngoại ngữ cũng chính là một trong những rào cản vô cùng lớn cho những người đầu bếp, nhất là những đầu bếp lớn tuổi thuộc thế hệ đi trước. Tài liệu hay thường đến từ nhiều sách nước ngoài nên nếu không có ngoại ngữ, người đầu bếp rất khó khăn để nâng cao tay nghề và vị trí của mình...
Được đền đáp xứng đáng
Được ví như một nghệ sĩ tài hoa, người đầu bếp nhận được nhiều lời cảm ơn và tán thưởng của thực khách khi chế biến những món ăn tuyệt ngon, vừa đẹp mắt vừa tinh tế. Nghề bếp đã trở thành nghề hiện đại, được xã hội tôn vinh thể hiện qua các cuộc thi đầu bếp tổ chức hằng năm.
Thu nhập của nhân viên phụ bếp hiện nay thường từ 5-7 triệu đồng/tháng, bếp trưởng ít nhất là 10 triệu có khi lên tới 30 triệu đồng/tháng và thu nhập có thể còn cao hơn nữa. Còn nếu xét về tính chất công việc, người làm việc trong nghề này sẽ có cơ hội được làm việc tại nhiều khách sạn ở những địa phương, vùng miền khắp đất nước. Do đó sẽ được tiếp xúc và giao lưu với nhiều loại hình văn hóa trong và ngoài nước. Mặt khác, nếu là bếp trưởng hay quản lý tại một nhà hàng khách sạn thì tấm bằng hay chứng chỉ chính là cơ sở để khẳng định đẳng cấp nhà hàng hoặc để nâng sao cho khách sạn.
Cuối cùng là cơ hội thăng tiến, chỉ cần có sự nỗ lực và cố gắng không ngừng học hỏi nâng cao trình độ để hoàn thiện chuyên môn thì có thể vươn tới những vị trí mới và tất nhiên, đi kèm với điều đó, thu nhập sẽ tăng đáng kể.