Tháng 2-2008, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường công bố chuẩn đầu ra, nhiều trường đã nhanh chóng thay đổi phương thức đào tạo - quan tâm đến kết quả đầu ra thay vì quá chú trọng đầu vào. Chuẩn đầu ra được xem như lời cam kết của nhà trường đối với xã hội về những kiến thức, kỹ năng, thái độ hành vi, qua đó khẳng định những năng lực lao động cụ thể mà sinh viên (SV) sẽ thực hiện được sau khi được đào tạo tại nhà trường. Hay nói cách khác, chuẩn đầu ra là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất chất lượng đào tạo của chính cơ sở đó.
Đào tạo phải đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp
Giáo dục là một quá trình truyền thụ kiến thức với vai trò trung tâm của người thầy được áp dụng một thời gian dài trong hệ thống giáo dục Việt Nam đã bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập của nó: đó là sự quá tải về tri thức, kiến thức nặng về tính hàn lâm, ít ứng dụng thực tiễn… do đó khi ra trường, SV không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng…
Vì lý do đó, các doanh nghiệp (DN) sử dụng lao động thường phải mất trung bình từ 6 tháng đến 1 năm để đào tạo lại từ đầu về mọi phương diện, bao gồm cả kỹ năng ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm. Để khẳng định uy tín và thương hiệu của mình đồng thời giúp SV tìm được việc làm sau tốt nghiệp, nhiều trường ĐH đã công bố chuẩn đầu ra và xem đây là một trong những tiêu chí và yêu cầu cần thiết đối với mỗi đơn vị đào tạo ĐH trong hệ thống giáo dục. Đến nay, nhiều trường công bố chuẩn đầu ra và việc các trường "dũng cảm" công bố chuẩn đầu ra đồng nghĩa với chương trình đào tạo phải được thay đổi và cập nhật cho phù hợp với yêu cầu đặt ra.
Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP HCM cho biết quy luật tất yếu của công tác đào tạo là phải bảo đảm được yêu cầu của DN và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Do đó, các trường cũng phải đặt ra cho mình những quy luật và thực hiện nghiêm túc các quy luật đặt ra, trong đó chuẩn đầu ra được xem là quy luật trọng yếu.
Công bố chuẩn đầu ra, trong đó có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm, là rất cần thiết
Chú trọng đầu ra
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội, cho rằng mỗi kỳ tuyển sinh ĐH, cả xã hội rầm rầm chạy theo các thông tin bao nhiêu người thi, bao nhiêu người bị loại, điểm chuẩn bao nhiêu, điểm sàn bao nhiêu… Đây là sự quan tâm quá mức không cần thiết, gây lãng phí cho cả xã hội. Chuyện tuyển sinh đầu vào chỉ là câu chuyện nội bộ của ngành giáo dục. Cái mà xã hội nên quan tâm, đó là bao nhiêu SV ra trường có việc làm và làm đúng nghề.
Theo các chuyên gia giáo dục, công bố chuẩn đầu ra, trong đó có tỉ lệ SV tốt nghiệp ra trường có việc làm, là rất cần thiết, bởi chuẩn đầu ra sẽ là một tấm gương phản chiếu rõ nét nhất chất lượng đào tạo của chính cơ sở đó. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để việc công bố này bảo đảm độ chính xác.
Nhiều ý kiến cho rằng chủ trương yêu cầu các trường công bố chuẩn đầu ra, nhất là công bố tỉ lệ SV tốt nghiệp có việc làm, là cách để nâng cao trách nhiệm đào tạo của các trường, buộc các trường phải thay đổi phương thức đào tạo, tức chú trọng đến kết quả đầu ra thay vì quá chú trọng đầu vào. Cách làm này cũng sẽ góp phần khắc phục được tình trạng đã tồn tại trong rất nhiều năm qua và hệ quả của nó chính là chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được những yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Trong bối cảnh nhân lực trình độ cao ở nước ta đang quá hiếm, nhiều DN phải tìm cách thuê các nhân viên quản lý bậc trung từ nước ngoài thì việc cam kết việc làm và chất lượng đào tạo sau khi tốt nghiệp trở thành xu thế mà các trường ĐH hướng đến.